REDD và Sáng kiến REDD+:
REDD (Reducing Emission from Deforestation and forest Degradation) là Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng là một cơ chế được thiết kế để đền đáp về tài chính cho chủ rừng và người sử dụng rừng. Theo cơ chế này, các nước sẽ đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng trong phạm vi biên giới nước mình.
![]() |
Kể từ khi Hội nghị về Biến đổi khí hậu ở Bali năm 2007 xác định tầm quan trọng của rừng đối với việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và chính thức đồng ý lồng ghép “sáng kiến REDD+” (REDD được gọi là REDD+ với 3 nội dung được bổ sung như sau: Bảo tồn trữ lượng Các-bon; Tăng cường trữ lượng Các-bon từ rừng; Quản lý rừng bền vững). Vào các đàm phán cho thời kỳ sau năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng và triển khai Khung chương trình REDD+. Vấn đề biến đổi khí hậu đã nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ. Tháng 12/2008, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng phê duyệt. Khung Kế hoạch hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2008 – 2020 cũng được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai trong năm 2008. Khung Kế hoạch hành động với một số nội dung đã được đồng ý, bao gồm kế hoạch hành động 5 năm và Ban chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT về giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ chủ trì xây dựng chiến lược REDD+.
Chương trình UN-REDD:
REDD+ định giá cho trữ lượng Các- bon của rừng, và đưa ra các kích thích để hạn chế mất rừng suy thoái rừng quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng nhằm đem lại lợi ích cho chủ rừng và người sử dụng rừng.
Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích khi thực hiện REDD+, Việt Nam sớm đã có những bước tích cực nhằm thực hiện REDD+. Việt Nam là một trong chín quốc gia đầu tiên được chọn để thí điểm Chương trình UN-REDD và cũng là một trong những nước đầu tiên nhận được phê duyệt cho Đề xuất: Sẵn sàng thực thi REDD+ (R-PIN) thuộc Quỹ đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới (WB). Chương trình UN-REDD là sáng kiến của các tổ chức quốc tế UNEP, UNDP, FAO của Liên hợp quốc với mục tiêu giảm nồng độ khí thải nhà kính có trong khí quyển thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Cùng với đó là việc tăng cường quản lý tài nguyên rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các - bon của rừng tại các nước đang phát triển thuộc UNFCCC (các nước ký công ước khung về chống biến đổi khí hậu).
Để tận dụng những lợi thế mà sáng kiến REDD+ và Chương trình UN-REDD đem lại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định 1724/QĐ-BNN-HTQT ngày 29/7/2013 phê duyệt: “Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam (viết tắt UN-REDD)- giai đoạn II”
Chương trình UN-REDD Việt Nam, giai đoạn II:
Cơ quan Chủ quản Chương trình: Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Chủ dự án: Tổng Cục Lâm nghiệp;
Các cơ quan đối tác thực hiện của Liên Hợp Quốc: Tổ chức Nông lương thế giới (FAO); Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP);
Địa bàn thực hiện: Trung ương, 6 tỉnh thí điểm ( Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mău) và một số tỉnh có rừng khác.
Mục tiêu của Chương trình:
Mục tiêu của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thực hiện các thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành Lâm nghiệp.
Hoạt động chính của Chương trình:
Chương trình sẽ tập trung nâng cao năng lực và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho cấp trung ương, cấp tỉnh nhưng cũng bao gồm một số hoạt động ban đầu nhằm giảm phát thải tại 6 tỉnh thí điểm (Lâm Đồng, Cà Mău, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bắc Kạn và Lào Cai). Bên cạnh đó, Chương trình cũng xây dựng năng lực cần thiết cho các cấp địa phương – thôn, bản, xã và huyện – để thực hiện các hoạt động REDD+ ở hiện trường tại một số điểm thuộc các tỉnh thí điểm.
Chương trình sẽ hướng đến việc xây dựng năng lực và đưa vào hoạt động hạ tầng quản trị REDD+ được xác định trong Chương trình hành động REDD+ quốc gia và đưa việc quản trị đi vào hoạt động. Đến cuối Chương trình, một hệ thống hạ tầng tổng thể cho việc thí điểm REDD sẽ được xây dựng.
Các kết quả đầu ra của Chương trình:
Chương trình sẽ cung cấp 6 kết quả đầu ra, gồm có:
Kết quả 1: Tạo ra năng lực vận hành Chương trình hành động REDD+ quốc gia;
Kết quả 2: 6 tỉnh thí điểm có thể lập Kế hoạch và thực hiện các hoạt động REDD+;
Kết quả 3: Hệ thống giám sát rừng quốc gia (NFMS) phục vụ công tác giám sát, đo đạc, báo cáo và kiểm chứng và hệ thống thông tin REDD+ quốc gia (NIRS) về đảm bảo an toàn được vận hành;
Kết quả 4: Hệ thống chia sẻ lợi ích thực hiện REDD+ ở cấp quốc gia được đề xuất;
Kết quả 5: Các cơ chế để giải quyết các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội và môi trường theo Thoả thuận Cancun được thiết lập;
Kết quả 6: Hợp tác về khu vực về thực hiện REDD+ đặc biệt với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông được tăng cường.
Tỉnh Lào Cai và Chương trình UN-REDD Việt Nam, giai đoạn II:
Để thực hiện Chương trình UN-REDD giai đoạn II đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 3091/QĐ-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2013 thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình “giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng”. Gọi tắt là Ban Chỉ đạo Chương trình UN-REDD tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2013 thành lập Ban Quản lý Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam (viết tắt UN-REDD)- giai đoạn II” tỉnh Lào Cai và ban hành Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 29 tháng 8 năm 2013 bổ nhiệm Đồng chí Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai giữ chức Giám đốc Ban Quản lý Chương trình UN-REDD.
Lào Cai cộng hưởng từ nhiều chương trình dự án trong đó có Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, thực thi đúng và đầy đủ các chính sách của nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng nên rừng sẽ không chỉ tăng về diện tích mà chất lượng cũng ngày một nâng cao. Đó chính là những việc cần phải làm của tỉnh Lào Cai để góp phần giảm thiểu những biến đổi của khí hậu toàn cầu.