Chiều 19/4, tiết trời Lào Cai nắng nóng gay gắt, thế nhưng vẫn có gần 200 học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai và Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai tham dự Chương trình thí điểm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông. Sau khi được lĩnh hội kiến thức pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, các em được chia theo từng nhóm, mặc đồ bảo hộ, đội mũ bảo hiểm, lần lượt điều khiển xe máy điện theo sa hình dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Công ty Honda Việt Nam.
Em Bùi Duy Thái, lớp 11, Trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết: Tham gia chương trình, em có thêm kiến thức pháp luật và kỹ năng khi tham gia giao thông. Đồng thời em có thể truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm đã học về trật tự, an toàn giao thông cho bạn bè và những người quanh mình để khi tham gia giao thông được an toàn.
Em Nguyễn Thị Thảo, lớp 11, Trường THPT Chuyên Lào Cai cho biết: Đây là chương trình bổ ích cho lứa tuổi học sinh. Chương trình không chỉ giúp chúng em có kiến thức về trật tự, an toàn giao thông, mà còn có kỹ năng xử lý những tình huống khẩn cấp xảy ra khi tham gia giao thông.
Chương trình thí điểm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông được Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (Trường Cao đẳng Lào Cai) tổ chức trong chiều 19/4, sáng 20/4 và tổng kết vào sáng 21/4.
Ông Trần Xuân Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Vì vậy, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình thí điểm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông. Thông qua chương trình, học sinh hiểu biết kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, sẽ giúp chúng tôi có kiến nghị, đề xuất kịp thời với cơ quan chức năng các giải pháp phù hợp trong việc xây dựng quy định liên quan đến đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người điều khiển xe gắn máy.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn xảy ra, các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng…
Để giảm thiểu, tiến tới xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của học sinh cần có sự chung tay, phối hợp từ nhiều phía. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, rất cần có sự vào cuộc tích cực từ phía gia đình, nhà trường và toàn xã hội giúp các em thay đổi nhận thức, hành vi để tham gia giao thông được an toàn.