Dự lễ phát động có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ; Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ các ban, bộ, ngành, cục, vụ Trung ương.
Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; hội phụ nữ của một số tỉnh, thành phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế; đại sứ quán Vương quốc Anh.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông tin: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Báo cáo toàn cầu về mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã khẳng định, cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới, lại có 1 nạn nhân là trẻ em. Trẻ em là đối tượng của nhiều hình thức mua bán khác nhau, bao gồm bóc lột lao động, ép buộc phạm tội hoặc ăn xin, mua bán để làm con nuôi bất hợp pháp, bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục trực tuyến.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân. Tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân hoặc lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt.
Những hành vi này xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em, gieo rắc nỗi đau tận cùng cho biết bao gia đình, gây nên những bất ổn trong xã hội.
Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn coi trọng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, thực hiện thông qua vai trò của người mẹ và gia đình. Nhiều mô hình có hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em được nghiên cứu xây dựng, thí điểm, nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình "Ngôi nhà Bình yên" của Trung ương Hội, kể từ khi thành lập (năm 2007) đến nay, đã tiếp nhận tạm lánh cho hơn 1.700 người, trong đó có 463 nạn nhân mua bán người, gồm 159 nạn nhân là trẻ em; mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng"; CLB xây dựng gia đình hạnh phúc... cũng phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em.
Lào Cai có hơn 182 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nạn mua bán người đã và đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu và các quốc gia. Hậu quả của nạn mua bán người đối với nạn nhân, gia đình và xã hội rất nặng nề. Tội phạm mua bán người cũng đe dọa đến sự ổn định về trật tự an toàn xã hội, liên quan trực tiếp đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền.
Trong bài phát biểu chào mừng tại buổi lễ, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, thời gian tới, Lào Cai xác định tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, như: tăng cường thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ cập giáo dục, pháp luật nhằm nâng cao trình độ nhận thức, dân trí về pháp luật. Chủ động nắm chắc tình hình trên các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến hoạt động mua bán người; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2024.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm mua bán người và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và Việt Nam còn diễn biến phức tạp với cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác phòng, chống mua bán người còn nhiều thách thức. Trước tình hình đó, các cấp bộ, ngành, địa phương cần xác định phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, nhân rộng các phong trào, mô hình sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền. Kịp thời phát hiện nguy cơ từ sớm, từ xa, từ cơ sở, quyết liệt thực hiện đấu tranh, ngăn chặn tội phạm. Tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm.
Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của mọi tầng lớp Nhân dân với tinh thần “chung sức, đồng lòng”, quyết tâm thành công trong đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Tại đây, các đại biểu đã thực hiện nghi thức cam kết hành động phòng, chống mua bán người và hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) (ảnh trên).