Chị Nguyễn Thị Quý suốt 13 năm qua là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bảo Tân 1, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Theo chị Quý, kể từ 30 thành viên thời điểm năm 2010, giờ đây chi hội ngày càng phát triển, có 65 hội viên, trong đó 5 hội viên mới kết nạp từ đầu năm 2023 đến nay. Để tổ chức hội thực sự là nơi gắn kết, sinh hoạt, giúp đỡ phụ nữ thì cần quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.
Hiện nay, bên cạnh việc đều đặn tổ chức sinh hoạt hội, Chi hội Phụ nữ thôn Bảo Tân 1 còn duy trì hoạt động của câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ với 30 thành viên, thường xuyên tập luyện và giao lưu với các câu lạc bộ khác. Đồng thời, nhằm tạo nguồn quỹ hoạt động và giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hàng chục năm nay chi hội duy trì nguồn quỹ tiết kiệm từ sự đóng góp của chị em. Số tiền 100 triệu đồng từ quỹ hiện đang giúp đỡ 7 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Tại địa phương vùng cao biên giới Bát Xát, thời gian qua, việc thu hút hội viên tham gia tổ chức hội luôn là nhiệm vụ quan trọng được các cấp hội phụ nữ quan tâm và triển khai bằng nhiều giải pháp. Hiện huyện có hơn 13.400 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt ở 176 chi hội. Kể từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, tỷ lệ hội viên tham gia tổ chức hội luôn đạt mức 80%, tỷ lệ này ở nhiệm kỳ trước là 78,2%.
Theo chị Hoàng Thị Sen, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bát Xát, đặc thù của địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần sinh sống ở các địa bàn khó khăn, do vậy việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là giải pháp căn cơ để thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức hội. Trong đó, việc lựa chọn cách làm, xây dựng mô hình phải thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.
Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1.400 hội viên phụ nữ được công nhận mới, nâng tổng số hội viên lên hơn 111.600 người. Tỷ lệ hội viên phụ nữ tham gia tổ chức hội đạt 76,2%.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, để thu hút hội viên phụ nữ đòi hỏi các cấp hội đa dạng, sáng tạo trong việc lựa chọn hình thức, xây dựng mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng của hội viên ở từng địa phương. Thông qua đó góp phần cổ vũ, động viên, khơi dậy sự nỗ lực, vươn lên của chị em, khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đối với lĩnh vực kinh tế, hiện nay hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với 14 hợp tác xã/179 thành viên, 12 tổ hợp tác/200 thành viên, 70 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh/1.013 thành viên đang phát huy hiệu quả, giúp gắn kết hội viên phụ nữ. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển và hoạt động ủy thác cho vay của một số ngân hàng thông qua tổ chức hội đã và đang tiếp nguồn lực để hội viên có điều kiện vươn lên. Hội phụ nữ các cấp cũng lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp để giúp hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các cấp hội duy trì 208 loại hình hoạt động tại 152/152 cơ sở xã/phường/thị trấn, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, tạo nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng và hiệu ứng xã hội tích cực. Đặc biệt, Hội thi dân vũ và thể dục, thể thao do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động đã trở thành sân chơi bổ ích được hội viên chờ đón. Dù đã bước sang năm thứ 2 tổ chức nhưng hội thi vẫn hấp dẫn và lôi cuốn hội viên phụ nữ Lào Cai nhiệt tình tham gia bởi tính thiết thực, phù hợp với hội viên ở nhiều địa bàn và đã được chị em duy trì tập luyện nhiều năm qua.
Bên cạnh việc duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả, để hội viên yên tâm, tin tưởng và gắn bó với tổ chức hội, các cấp hội thường xuyên quan tâm, nắm tâm tư, nguyện vọng, làm tốt các hoạt động hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên phụ nữ. Số lượng hội viên tăng đồng nghĩa với việc các hoạt động và phong trào hội tiếp tục được lan tỏa rộng khắp, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.