Vòng 1 V-League mùa này diễn ra với nhiều cặp đấu hấp dẫn.
CLB TP Hồ Chí Minh đã có khởi đầu như mơ với chiến thắng 2 - 0 trước Khánh Hòa, qua đó tạm vươn lên dẫn đầu bảng.
Đây là trận thắng ghi đậm dấu ấn của HLV Vũ Tiến Thành với những điều chỉnh nhân sự, chiến thuật hợp lý ở hiệp 2. Ngoài việc giành 3 điểm, điều đáng khen ngợi là các tân binh của đội bóng chủ sân Thống Nhất như Timite, Sầm Ngọc Đức, Nguyễn Minh Tùng hay Thanh Thảo đều chơi rất ấn tượng.
Ở mùa trước, đoàn quân của HLV Vũ Tiến Thành đã thi đấu rất vất vả và đứng áp chót trên bảng xếp hạng chung cuộc, chỉ trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng.
3 điểm cùng vị trí đầu bảng sau vòng 1 là kết quả bất ngờ và tích cực cho CLB TP Hồ Chí Minh sau mùa giải họ phải lao đao trụ hạng.
Vòng 1 cũng chứng kiến trận cầu tâm điểm giữa nhà ĐKVĐ Công an Hà Nội và Bình Định. Việc những Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải hay Phan Văn Đức đều không thể góp mặt trong danh sách đăng ký thi đấu của đội chủ sân Hàng Đẫy khiến đội bóng ngành Công an khởi đầu mùa giải không được như ý. Cả ba cầu thủ trên hiện vẫn đang trong quá trình bình phục chấn thương.
Với việc mất đi những cầu thủ có năng lực, trình độ cũng như kinh nghiệm trận mạc, lại cộng thêm việc HLV Trần Tiến Đại đã sử dụng quá nhiều tân binh ở đội hình xuất phát, điều này thực sự đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng thi đấu của CLB Công an Hà Nội, khiến họ không thể phô diễn được sức mạnh.
Trong khi đó, dù không thể bảo vệ được thành quả dẫn bàn trước của mình khi để Junior bật cao đánh đầu về góc cao tung lưới thủ môn Đặng Văn Lâm ở phút 84, song với một lối chơi hoàn toàn hợp lý và hiệu quả, đội bóng đất Võ đã hoàn thành mục tiêu có điểm ở chuyến làm khách khó khăn lần này.
Trong ngày khai màn V-League 2023 - 2024, đã có đến 4 trong tổng số 6 cặp đấu khép lại với tỷ số hòa (Công an Hà Nội hòa Bình Định, HAGL chia điểm với Hải Phòng, Thanh Hóa hòa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SLNA và Viettel cầm chân nhau).
Ở vòng 1 V-League năm nay, VAR được áp dụng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu có tới 4 trận áp dụng VAR trong 1 vòng. Công nghệ này đã giúp các trọng tài rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định chính xác, giảm tranh cãi. VAR đã có tác động tích cực với ít nhất 3 lần giúp trọng tài chính sửa sai trong các tình huống quan trọng, đồng thời có tác động trực tiếp đến kết quả trận đấu. Trong cả 3 tình huống nêu trên, trọng tài không xác định có lỗi ở thời điểm diễn ra pha bóng. Phải nhờ tới tư vấn của các trợ lý trong xem VAR và xem lại băng hình, quyết định thổi phạt mới được đưa ra.
Ở trận gặp Hải Phòng gặp HAGL, đó là 2 quả phạt đền dẫn tới bàn thắng trong trận đấu được trọng tài đưa ra sau khi check VAR.
Còn trong trận đấu trên sân Thiên Trường, trận đấu mà chủ nhà Nam Định thắng kịch tính Quảng Nam 2 - 1, bàn thắng cũng đến sau một quyết định sau khi tham khảo VAR ở phút giờ thứ 5, ấn định thắng lợi cho đội chủ sân Thiên Trường.
Trong trận đấu giữa nhà ĐKVĐ Công an Hà Nội với Bình Định trên sân Hàng Đẫy, sau khi kiểm tra VAR, trọng tài chính đã xác định Marlon ở vào tư thế việt vị và bàn thắng không được công nhận. Đây cũng là quyết định được đánh giá là chính xác. Trận đấu khép lại với tỷ số hòa 1 - 1.
Lợi ích của VAR là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên hệ thống này cần phải có nhiều góc máy hơn, để giúp các trọng tài có thể đưa ra các quyết định chính xác, nhanh chóng hơn. Việc góc máy quay và chất lượng hình ảnh hạn chế rõ ràng là một phần lý do khiến các trọng tài mất nhiều thời gian hơn để đưa ra nhận định.
Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, V-League nói riêng và mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung mới tổ chức vắt từ năm này sang năm khác. Điều này phù hợp với định hướng của LĐBĐ châu Á (AFC) trong việc các giải VĐQG khu vực thi đấu cùng khung thời gian, như lịch thi đấu tại châu Âu.