Tổ hợp tác trồng và chế biến chè Ô long theo phương pháp thủ công Cao Sơn gồm 20 hộ thành viên là các thanh niên địa phương. Tổng diện tích chè của tổ hợp tác đạt 48 ha, trong đó 25 ha đã cho thu hoạch. Khi tham gia tổ hợp tác, thời điểm tiêu thụ khó khăn, các thành viên được hỗ trợ thu mua chè búp tươi với giá ổn định 8.000 - 12.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các thành viên được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm, đồng thời được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chế biến chè Ô long bằng phương pháp thủ công.
Anh Sùng Tỏa, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cao Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và chế biến chè Ô long theo phương pháp thủ công cho biết: Thành lập năm 2024, ban đầu tổ hợp tác khó khăn trong vận động các thành viên tham gia nhưng đến nay số lượng các thành viên ngày càng tăng. Điều khác biệt khi thành lập tổ hợp tác đó là trước đây chủ yếu các thành viên bán chè búp tươi cho nhà máy thì nay họ đã làm chủ được công nghệ chế biến, hoàn toàn có thể tự chế biến sản phẩm chè chất lượng. Tuy nhiên, điều tổ hợp tác hướng đến là tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổ hợp tác đang được Huyện đoàn hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hoàn thành truy xuất nguồn gốc.
Còn Tổ hợp tác trồng và phát triển sản phẩm quýt Lao Chải được thành lập năm 2023 hiện có 42 thành viên, trong đó 22 thành viên là thanh niên, 100% thành viên là người dân tộc thiểu số. Tổ hợp tác được Huyện đoàn hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm, hỗ trợ quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Sau khi tổ hợp tác được thành lập đã góp phần tiêu thụ sản phẩm quýt ngọt, xây dựng thành công thương hiệu quýt Lao Chải.
Hoặc tổ hợp tác trồng lê Tai nung bằng phương pháp hữu cơ tại xã Tả Ngài Chồ cũng khẳng định vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế tập thể tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Mường Khương hiện duy trì và thành lập mới 8 tổ hợp tác phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ gồm: Tổ hợp tác trồng chuối xã Bản Lầu; Tổ hợp tác nuôi cá xã Bản Sen; Tổ hợp tác trồng lê Tai nung bằng phương pháp hữu cơ tại xã Tả Ngài Chồ; Tổ hợp tác trồng và phát triển sản phẩm chè cổ thụ xã Tả Thàng; Tổ hợp tác trồng và phát triển sản phẩm quýt Tung Chung Phố; Tổ hợp tác trồng và chế biến sản phẩm chè Ô long Cao Sơn bằng phương pháp thủ công; Tổ hợp tác trồng và sản xuất chè Shan tuyết Nấm Lư; Tổ hợp tác trồng và phát triển sản phẩm quýt Lao Chải. Ngành nghề chủ yếu của các tổ hợp tác phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ là nông nghiệp. Trong số 8 tổ hợp tác trên có Tổ hợp tác trồng và chế biến sản phẩm chè Ô long Cao Sơn bằng phương pháp thủ công và Tổ hợp tác trồng và sản xuất chè Shan tuyết Nấm Lư do bí thư đoàn thanh niên xã làm tổ trưởng. Các tổ hợp tác đã thu hút 276 thành viên, bình quân thu nhập từ 50 triệu đồng/thành viên/năm trở lên.
Anh Vương Sự Nghiệp, Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Khương cho biết: Nhằm nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, Huyện đoàn Mường Khương chỉ đạo đội hình tri thức trẻ của huyện hằng năm tổ chức hướng dẫn các thành viên ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc; hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng thêm diện tích. Đặc biệt, từ năm 2022, được giao làm chủ đầu tư nội dung 3 của chương trình mục tiêu quốc gia 1719, Huyện đoàn đã hỗ trợ các tổ hợp tác thiết kế bao bì, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, lập trang web quảng bá sản phẩm, tập huấn, nghiên cứu phát triển sản phẩm... Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục định hướng các tổ hợp tác do thanh niên làm chủ triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp xanh, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tổ kinh tế hợp tác do thanh niên làm chủ được thành lập trên cơ sở tập hợp các mô hình kinh tế của thanh niên cùng sở thích, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này được kỳ vọng nhân rộng, là cơ sở để thanh niên huyện Mường Khương khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương.