Người nghệ sĩ 17 năm chụp ảnh cho Bác Hồ đó là cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông sinh ra ở thôn Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.
Quê của Đinh Đăng Định có nghề truyền thống dát vàng, bạc nổi tiếng, nhưng ông lại đi học nghề ảnh đồ bản, rồi đi làm nghề ảnh tư tại một hiệu ảnh lớn tại Hà Nội.
Ở tuổi 16, ông đã tham gia vào "Hội Ái hữu thợ ảnh ở Hà Nội" thời kỳ Mặt trận Dân chủ do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1946, ông Định là một trong những chiến sĩ ở lại Hà Nội, bám trụ chiến đấu ở khu phố Khâm Thiên và phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng). Sau 100 ngày, đêm chiến đấu anh hùng, giành giật với giặc từng căn nhà, góc phố, quân dân thủ đô tạm thời rút khỏi Hà Nội. Đinh Đăng Định cũng theo đoàn quân đi kháng chiến, về chiến khu 10. Tại đây, ông đã phóng hơn 100 bức ảnh trưng bày triển lãm phục vụ Đại hội Đảng bộ khu 10 nhóm họp. Đồng chí Lê Văn Lương, lúc bấy giờ là Chánh văn phòng Trung ương Đảng, trên đường đi công tác đã ghé vào xem triển lãm và đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức các bức ảnh. Đó là hình ảnh sống động của quân dân thủ đô chiến đấu can trường trên từng nóc nhà, ngõ phố, là chiến sĩ ôm bom ba càng tấn công xe tăng giặc, là những em bé, những cô nữ sinh Hà Nội đang tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội Trung đoàn Thủ đô vững tay súng trên từng ụ chiến đấu ở đường Mai Hắc Đế, Bạch Mai... Cuộc triển lãm tuy không lớn, nhưng đã có tác động mạnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Mến mộ tài năng của ông, sau cuộc triển lãm, đồng chí Lê Văn Lương đã đưa nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định về làm việc ở cơ quan Trung ương và nhận trọng trách chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt 17 năm ông Định được ở gần Bác Hồ. Bao nhiêu sự kiện xảy ra trong đời Bác, ông đã được chứng kiến. Bởi vậy, ông đã thuộc nếp sống, tác phong sinh hoạt của Bác và cũng rèn cho mình thói quen làm việc nghiêm túc và có chuẩn bị. Dường như lúc nào, ông cũng chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh, có lệnh là đi.
Trong những năm làm việc, ông đã ghi lại hàng ngàn bức ảnh thời sự và nghệ thuật có giá trị lịch sử về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Những hình ảnh Đinh Đăng Định chụp Bác Hồ hết sức đa dạng. Từ cảnh sinh hoạt đời thường tới hoạt động cách mạng của Bác như một lãnh tụ của nhân dân đều thấm đẫm chất nhân văn.
Những bức ảnh tiêu biểu của ông là “Bác Hồ làm việc trong hang Pắc Pó” thể hiện hình ảnh một vị lãnh tụ giản dị ngồi trên tấm phản kê trong hang đang xem tài liệu, trên vai khoác chiếc áo vải đơn sơ, dung dị. Hay bức “Bác Hồ về thăm quê” cho thấy khi miền Bắc giải phóng, Người về thăm lại mái nhà tranh xưa, bà con đón Bác trong niềm tự hào, xúc động. Bên cạnh đó, là những bức ảnh đẹp chụp Người trong sinh hoạt đời thường như: Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác, Bác ngồi câu cá, đánh bóng chuyền, Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê, Bác tát nước chống hạn cùng nông dân, Bác tiếp chuyện văn nghệ sĩ nước ngoài, Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác quàng khăn đỏ cho 1 cháu thiếu niên, Bác tiếp đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam Việt Nam...
Sau những năm được sống, làm việc và chụp ảnh cho Bác, Đinh Đăng Định nhận nhiệm vụ tập hợp các cán bộ, phóng viên nhiếp ảnh biên chế trong các cơ quan báo chí, văn hóa, các công ty ảnh và hợp tác xã nhiếp ảnh thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đại hội Nhiếp ảnh lần thứ nhất, năm 1966, đã bầu Đinh Đăng Định làm Tổng Thư ký đầu tiên trong suốt 17 năm liên tục. Ông cũng là người tổ chức tờ Tạp chí Nhiếp ảnh và là Tổng Biên tập suốt gần 20 năm tồn tại cho đến nay.
Ông làm việc không ngưng nghỉ, say mê sáng tác và với những kiến thức sâu rộng về đất nước và con người trong lịch sử hào hùng của dân tộc, năm 2001, ông được Nhà nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã đi vào cõi vĩnh hằng vì căn bệnh hiểm nghèo vào năm 2003, nhưng sự nghiệp nhiếp ảnh của ông sẽ còn mãi, bởi tài năng của ông gắn bó với tên tuổi của Bác Hồ, danh nhân văn hóa thế giới.