Xã Phú Nhuận có 12 dân tộc cùng chung sống tại 25 thôn. Đây là một trong những địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số nhất của huyện Bảo Thắng.
Bà Hoàng Thị Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Cách đây hơn 10 năm, những mái nhà sàn - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ bị thay thế bằng những ngôi nhà xi măng, nhà giả sàn. Cùng với đó, làn điệu Then của người Tày, làn điệu dân ca của người Mông… cũng ngày càng ít được quan tâm gìn giữ và trang phục, chữ viết, phong tục, tập quán không còn xuất hiện thường xuyên trong đời sống người dân. Nguyên nhân xuất phát từ sự giao thoa văn hóa không có chọn lọc, nhận thức và cách tiếp nhận của một số người dân.
Trước thực trạng trên, cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Phú Nhuận đã có những giải pháp bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó, việc phát huy vai trò của người có uy tín đã và đang đem lại hiệu quả.
Xã Phú Nhuận hiện có 11 người có uy tín với nhiều thành phần, từ già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn đến trưởng các dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi… Bên cạnh việc đi đầu và vận động người dân xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thì việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được những người có uy tín chú trọng.
Ông Lương Văn Lùng (thôn Nhuần 2) là người có uy tín trong cộng đồng người Tày. Suốt nhiều năm qua, ông cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như nếp nhà sàn, điệu hát Then, lễ hội, trang phục, phong tục, tập quán… Ngoài công tác dân vận, ông Lùng và người thân trong gia đình cũng tích cực bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình.
1 trong 2 căn nhà sàn truyền thống tại thôn Nhuần 2 là của gia đình anh rể ông Lùng. Căn nhà được xây dựng từ năm 1968. Trải qua gần 60 năm, căn nhà vẫn được lưu giữ những nét nguyên bản từ cột nhà, sàn, cầu thang làm bằng gỗ cho đến mái được lợp bằng lá cọ.
Ông Lùng tâm sự: Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm tới việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà con rất phấn khởi.
"Để làm được điều đó, trước hết, từ bản thân tôi cùng người thân trong gia đình phải làm gương, sau đó tiếp tục tuyên truyền đến lớp trẻ và lan rộng cho bà con trong thôn", ông Lùng cho biết thêm.
Nhờ sự hưởng ứng, tham gia tích cực của những người có uy tín như ông Lùng, việc lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán và nét sinh hoạt cộng đồng trở thành việc làm thường xuyên. Người dân xã Phú Nhuận đã nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị truyền thống, trong đó có cả thế hệ trẻ. Đơn cử như Câu lạc bộ hát Then người Tày tại thôn Nhuần 3 được thành lập năm 2021. Đến nay, câu lạc bộ có 20 thành viên, trong đó hơn một nửa là những người có độ tuổi dưới 40.
Bà Hoàng Thị Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Thời gian qua, việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã có nhiều kết quả. Hiện xã bảo tồn được 36 nhà sàn truyền thống còn nguyên bản; thành lập và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ dân ca của người Tày, Dao, Mông; bảo tồn lễ hội và làng nghề truyền thống của các dân tộc…
Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín được giao lưu, học tập kinh nghiệm và có những đề xuất, giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.