LCĐT - Ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào, Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết quan trọng về công tác giao thông liên lạc. Sự kiện này đánh dấu mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt

Kiểm tra thư báo trước khi chuyển đến các bưu cục. Ảnh: Tuấn Anh
Tháng 10/1992, Bưu điện tỉnh Lào Cai được tái lập thành lập theo Quyết định số 1698 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trên cơ sở được tách ra từ Bưu điện Hoàng Liên Sơn. Lúc này, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tỉnh Lào Cai chỉ có tổng đài tự động hệ Analog ở Cam Đường và Bảo Thắng, còn lại thông tin điện thoại qua tổng đài từ thạch; toàn tỉnh có 470 máy điện thoại, mật độ điện thoại đạt 0,1 máy/100 dân vào loại thấp nhất toàn quốc. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông chưa phát triển, mới dừng lại ở các dịch vụ cơ bản, truyền thống. Việc vận chuyển thư, báo đi các huyện hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến xe ô tô khách và tầu hoả, đường thư từ huyện xuống xã gặp nhiều khó khăn nên thư, báo thường bị chậm; báo trung ương ra hàng ngày nhưng có xã sau nhiều ngày mới chuyển đến được.
Thực hiện chiến lược tăng tốc giai đoạn 1993-1995, Bưu điện tỉnh Lào Cai tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhà, trạm, công trình phát triển mạng lưới để đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tháng 5/1993, Bưu điện tỉnh khánh thành tổng đài điện tử MAX 512 công nghệ của Ấn Độ tại Trung tâm tỉnh và chuyển địa điểm làm việc khu tập kết tại Bảo Thắng lên thị xã Lào Cai để xây dựng trụ sở mới. Tháng 8/1995, Bưu điện tỉnh khánh thành và hoà mạng quốc gia tổng đài HOST 1000E10 công nghệ của Pháp với 4 trạm vệ tinh gồm: Cam Đường, Bảo Thắng, Sa Pa, Mường Khương và khánh thành nhà bưu điện trung tâm.

Các ấn phẩm báo Lào Cai được phát hành qua hệ thống bưu cục của ngành bưu điện ở tất cả các xã trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Bằng
Đến giai đoạn 1996 – 2000, Bưu điện tỉnh Lào Cai được đầu tư thiết bị theo định hướng số hoá mạng truyền dẫn nội tỉnh, lắp các trạm chuyển mạch vệ tinh E10 tại trung tâm các huyện, triển khai dịch vụ điện thoại di động (mạng Vinaphone); phát triển mạng viễn thông nông thôn phục vụ các xã biên giới, đồn biên phòng, cửa khẩu; đầu tư xe chuyên dụng cho đường thư cấp II và năm 1998 bắt đầu xây dựng điểm bưu điện văn hoá xã để đưa vào hoạt động. Đặc biệt, tháng 7/1999, Bưu điện tỉnh Lào Cai đã khai thông tuyến đường thư bộ quốc tế Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc), đánh dấu một bước quan trọng trong hoạt động bưu chính Việt Nam với bưu chính Trung Quốc tại Lào Cai.
Đến năm 2000, cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông cơ bản đã được cải tạo nâng cấp, mạng truyền dẫn nội tỉnh sử dụng truyền dẫn vi ba số; mạng đường thư cấp II có 9/11 huyện, thị sử dụng xe chuyên dùng; có 40 bưu cục, 54 điểm bưu điện – văn hoá xã hoạt động.
Năm 2001, Bưu điện tỉnh Lào Cai là một trong 10 bưu điện tỉnh, thành phố được chọn thí điểm tách thành 2 mảng bưu chính và viễn thông. Bưu điện tỉnh Lào Cai tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới bưu chính. Đến tháng 12/2005, Bưu điện tỉnh Lào Cai đã hoàn thành phổ cập dịch vụ điện thoại 164/164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh ; Bưu điện tỉnh đã mở rộng vùng phục vụ đến các xã trong tỉnh, 6/8 huyện sử dụng truyền dẫn quang liên kết mạng chuyển mạch nội tỉnh ; về mạng ngoại vi liên tục được mở rộng về dung lượng và vùng phục vụ; tổng số máy trên mạng do Bưu điện tỉnh quản lý đạt 98.343 thuê bao gấp 209,2 lần so với năm 1992; trong đó 34.967 thuê bao cố định, 59.987 thuê bao đi động; mật độ điện thoại đạt 16 máy/100 dân, gấp 160 lần so với năm 1992. Đối với mảng bưu chính, 100% tuyến đường thư cấp II sử dụng xe chuyên dụng. Các điểm phục vụ cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông có sự điều chỉnh, chuyển đổi hình thức hoạt động phù hợp, toàn tỉnh có 26 bưu cục, 125 điểm bưu điện - văn hoá xã, chưa tính đại lý bưu điện, các dịch vụ mới như: dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, dịch điện hoa, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ bưu chính mở thêm, những dịch vụ này năm 1992 chưa có. Năm 2006 doanh thu phát sinh thực hiện đạt 94,286 tỷ đồng, tăng 125,7 lần so với năm 1992.
Ngày 1/1/2008, Bưu điện tỉnh Lào Cai được tách thành Bưu điện tỉnh Lào Cai và Viễn thông Lào Cai. Thực hiện quyết định 65 của Chính phủ, ngày 22/5/2008 về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên, thực hiện dịch vụ bưu chính công ích ở Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn vì tỉnh có 84% số xã thuộc vùng 2 và 3, địa hình phức tạp, hiểm trở, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, nên công tác vận chuyển thư báo xuống thôn bản chi phí rất lớn. Có thời điểm Tổng Công ty Bưu chính Việt
Trước những khó khăn thách thức, Bưu điện Lào Cai đã chủ động chuyển đổi hình thức hoạt động của một số bưu cục sang điểm bưu điện - văn hóa xã, đưa vào khai thác một số dịch vụ mới đem lại hiệu quả cao, như: dịch vụ Epost, dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ bưu điện, dịch vụ đại lý bán vé máy bay, dịch vụ bán lẻ tài chính, thu hộ, trả hộ, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ công: chuyển phát chứng minh nhân dân, chuẩn bị thực hiện dịch vụ chi trả tiền lương hưu trí và chế độ trợ cấp Bảo hiểm xã hội v.v... Tất cả những dịch vụ này không những làm đa dạng hoá các dịch vụ bưu chính mà còn giúp cho Bưu điện tỉnh Lào Cai phát triển vững chắc trong nền kinh tế thị trường.

Phát huy truyền thống vượt khó vươn lên, với quyết tâm của cán bộ, công nhân viên Bưu điện tỉnh Lào Cai, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mọi hoạt động vẫn đảm bảo chất lượng, doanh thu không giảm, tăng trưởng hằng năm vẫn trên 10%, việc làm và đời sống của người lao động được đảm bảo.
Với những thành tích đạt được, ngành bưu điện tỉnh Lào Cai đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều năm được Chính phủ, UBND tỉnh tặng Bằng khen.