Nền kinh tế phục hồi vượt dự báo

Vượt mọi dự báo, nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 6,93% trong quý II và 6,42% trong 6 tháng, tạo đà cho tăng trưởng nửa cuối năm và cả năm 2024.

Tăng trưởng vượt kịch bản, vượt dự báo

Vượt mọi dự báo, tăng trưởng GDP quý II/2024 đã gần chạm ngưỡng 7%, đạt 6,93%, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng lên 6,42%. Khi công bố những con số này vào cuối tuần trước, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

So với giai đoạn 2020-2024, đây cũng là những mức tăng trưởng rất tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng của quý II năm nay chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,83% của quý II/2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,34% của quý II/2020, cũng như mức tăng 4,25% của quý II năm ngoái. Năm 2021, tăng trưởng GDP quý II là 6,55%, vẫn thấp hơn con số của quý II năm nay.

Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cũng tương tự, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Cụ thể, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của các năm 2020-2024 lần lượt là 1,74%; 5,71%; 6,58%; 3,84% và 6,42%.

“Nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, vượt cận trên kịch bản tăng trưởng mà Nghị quyết số 01/NQ-CP đã đề ra”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Tăng trưởng kinh tế trong quý II năm nay chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,83% của quý II/2022, cao hơn nhiều so với quý II/2020 và quý II năm 2023.

Sau quý I đạt mức tăng trưởng 5,66%, cao hơn kịch bản đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024. Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị.

Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Vào thời điểm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2 để chủ động điều hành. “Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.

Và đúng là nền kinh tế đang diễn ra theo đúng kịch bản 2 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật. Nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, cao hơn mọi dự báo. Các dự báo được các định chế tài chính quốc tế đưa ra gần đây, điển hình là Ngân hàng UOB, chỉ cho rằng, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đạt khoảng 6%. Thậm chí, ngay trước khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu chính thức, khi Tổ công tác Phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô (Tổ 1317) nhóm họp, dự báo đưa ra chỉ là, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,2%, còn của 6 tháng là 6%.

Cơ hội để nền kinh tế tăng tốc

Với tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm như vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng tốc của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024. “Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, để nền kinh tế tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, thì quý I phải tăng trưởng 5,2-5,6%; quý II tăng trưởng 5,8-6,2%; 6 tháng là 5,5-6%; quý III là 6,2-6,7%; 9 tháng tăng trưởng 5,7-6,2%; quý IV tăng trưởng 6,5-7%.

Còn Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng sẽ tạo đà tăng trưởng cho quý III. “Đây là cơ sở để chúng ta có thể phấn đấu cả năm đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Có rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô có xu hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp là một ví dụ. 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp.

Nhờ vậy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vị thế là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm.

Trong khi đó, ngành xây dựng tăng 7,34%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng phục hồi tích cực của dịch vụ du lịch, bán buôn, bán lẻ… đã đóng góp lớn cho tốc độ tăng thêm của khu vực dịch vụ.

Xuất nhập khẩu cũng vậy. 6 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 190 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Tại cuộc họp của Tổ 1317, các thành viên đến từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều có những đánh giá tích cực về nền kinh tế, nhất là trong nửa cuối năm, khi mà xu hướng phục hồi của thương mại và dòng đầu tư toàn cầu tích cực hơn, sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Sự nhích lên của kinh tế Mỹ, Hàn Quốc và cả châu Âu, Trung Quốc… có thể tạo hiệu ứng tích cực đến kinh tế Việt Nam. Các định chế tài chính như UOB, Standard Chatered cũng dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tích cực hơn trong nửa cuối năm.

Tất nhiên, vẫn còn những khó khăn rất lớn, song bức tranh tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đang mở ra kỳ vọng lớn cho nền kinh tế trong năm 2024.

Theo baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Một tuyến đường nông thôn xanh - sạch - đẹp ở xã Mai Sơn.

Lục Yên sáng, đẹp đường điện, đường hoa

Ở huyện Lục Yên, những con đường hoa rực rỡ sắc màu, những tuyến đường điện chiếu sáng thâu đêm không chỉ làm bừng sáng làng quê mà còn thắp lên niềm tin, sự đồng thuận, thể hiện rõ vai trò trung tâm của người dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhân dân xã Thành Thịnh (Trấn Yên) thu hoạch lúa xuân.

Thành Thịnh chủ động phòng ngập lũ

Trước mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp, với sự chủ động tuyên truyền, vận động, cụ thể, thiết thực theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tính đến trung tuần tháng 5, nhân dân xã Thành Thịnh đã gặt xong diện tích lúa xuân.
Nhiều hộ dân ở xã Báo Đáp có nguồn thu ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm.

Quyện hòa ý Đảng - lòng dân

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Đảng bộ và nhân dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã kiên trì triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, Báo Đáp được công nhận là xã NTM tiêu biểu về chuyển đổi số (CĐS) năm 2023 và đạt đô thị loại V vào tháng 8/2024. Những bước tiến này thể hiện rõ sự đổi thay trong tư duy và hành động không chỉ dừng lại ở đầu tư hạ tầng mà còn chuyển mình toàn diện trong sản xuất, đời sống và văn hóa, hướng đến mục tiêu trở thành “miền quê đáng sống”.
Bão diễn biến theo kịch bản xấu khi đi sâu vào vịnh Bắc Bộ và tăng cấp.

Bão bất ngờ mạnh lên cấp 11, đi vào sâu vịnh Bắc Bộ

Sáng nay, bão số 1 đã mạnh lên cấp 11, giật cấp 14, dự báo đi sâu vào vịnh Bắc Bộ trước khi lên Trung Quốc, có thể gây gió mạnh cấp 9-11, giật cấp 14 ở vịnh Bắc Bộ, biển động dữ dội. Mưa lớn tiếp tục trong ngày hôm nay ở miền Trung, đồng thời mở rộng ra Thanh Hoá và đồng bằng Bắc Bộ.
Dự báo mới nhất về đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 1.

Bão tăng cấp, đi vào vịnh Bắc Bộ

Những nhận định mới nhất cho thấy, bão số 1 sẽ đi vào khu vực phía đông vịnh Bắc Bộ trước khi tiến lên bán đảo Lôi Châu vào đất liền Trung Quốc. Ảnh hưởng của bão với biển ven bờ các tỉnh miền Bắc sẽ lớn hơn, nguy hiểm hơn. Hôm nay, Miền Trung và Bắc Tây Nguyên tiếp tục mưa rất lớn, vùng mưa mở rộng đến Hà Tĩnh.
Sớm xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng

Sớm xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng

Nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng thị trường hóa có lộ trình, kiểm soát chặt chẽ.

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia.

Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 1 năm nay, cũng là cơn bão đầu tiên hoạt động ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.
fb yt zl tw