Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Nắng tháng 5 gọi mùa mận chín

Nắng tháng 5 gọi mùa mận chín

Bước vào tháng 5, mận Tam Hoa tại huyện vùng cao Bắc Hà bắt đầu “đủng đỉnh” chín. Mới chớm vụ mà ngày nào chị Lục Thanh Xuân, thôn Na Lo, xã Tà Chải cũng tất bật để chuẩn bị vào mùa. Chị Xuân cười nói: Bắt đầu từ giờ đến khoảng 1 tháng nữa, ngày nào cũng chỉ... ăn và đi hái mận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chẳng biết từ bao giờ, người dân ở xứ sở “cao nguyên trắng” này đã chia 1 năm thành 3 mùa chính là mùa hoa, mùa mận và mùa cốm. Mùa hoa là mùa bắt đầu của một năm mới với sắc trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận trải khắp các triền đồi. Mùa mận chín thì bắt đầu từ độ tháng 5 đến hết tháng 6 với sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng của đủ các loại mận. Còn mùa cốm chính là mùa thu, mùa lúa chín với bầu trời cao xanh vời vợi, mây trắng bồng bềnh...

Mùa nào cũng thế, cảnh sắc, sản vật của miền đất Bắc Hà mang những dấu ấn rất riêng, tạo nên sức hút, mời gọi du khách thập phương đến trải nghiệm. Cái sự bận rộn mỗi mùa mận chín đối với người làm du lịch tại Bắc Hà đã trở nên quá đỗi thân quen khi hè về. Quen tới nỗi, người dân Bắc Hà gọi tên mùa hè là mùa mận.

IMG_9642.JPG
Chị Lục Thanh Xuân, thôn Na Lo, xã Tà Chải hái tỉa mận chín đầu vụ.

Nắng tháng 5 làm má một vài quả mận bắt đầu ửng đỏ, e ấp dưới lớp phấn trắng, mịn như nhung. Chị Xuân ngày nào cũng ra thăm vườn, ngắm nhìn những chùm mận lúc lỉu quả dưới tán lá xanh rì, tìm hái những quả chín để đem ra chợ bán.

Đầu mùa, những quả mận to, đẹp được giá 50 – 60 nghìn đồng/kg, chính vụ giá trung bình khoảng 30 nghìn đồng/kg. Từ khách mua buôn đến khách lẻ cũng đã rục rịch đặt hàng nên ngày nào chị Xuân cũng vội. Rổ mận vừa hái ban trưa, mới mang ra đến cổng chợ đã có người mua hết. Có khách đặt thêm 5 kg loại quả to, đẹp, chị Xuân hớt hải đi về, xách theo chiếc làn đi khắp các gốc mận để tìm quả chín.

IMG_9613.JPG
Mận Tam Hoa khi chín có một lớp phấn trắng mỏng, mịn phủ ngoài.

Mận Tam Hoa Bắc Hà khi chín luôn có một lớp phấn trắng phủ bên ngoài, nên nhìn từ xa thì quả nào cũng giống nhau. Người "có nghề" chỉ cần nhìn trong vòm lá, dưới ánh nắng mặt trời, những quả mận như tỏa sáng, căng tròn, ửng đỏ như má cô gái trẻ uống phải hơi rượu nặng sẽ nhận ra ngay đấy là những trái mận đã chín.

“Đầu mùa thì cần chọn từng quả chứ đến cuối tháng 5, mận chính thức vào vụ chín rộ thì hái rất nhanh. Khi ấy thì quả nào cũng chín, hái, thậm chí là tuốt cả chùm rồi về phân loại theo kích cỡ là được” – chị Xuân chia sẻ.

IMG_9590.JPG
Cắt cỏ, dọn vườn trước mùa mận chín để thuận tiện cho việc thu hoạch quả.

Vườn nhà chị Xuân có hơn 100 gốc mận đã khoảng 20 tuổi. Trước đây, cứ vào mùa mận chín là chị Xuân hái mận rồi đem ra chợ bán. Những năm gần đây, người dân Bắc Hà học nhau làm du lịch, cứ chính vụ là chị Xuân mở cửa vườn cho khách vào tự hái, mua mận kết hợp với tham quan, trải nghiệm. Thế nên, những năm gần đây, mận cứ chuẩn bị vào mùa là chị Xuân cùng chồng sẽ hái tỉa những quả chín sớm từ đầu vụ, dọn vườn, cắt cỏ dưới gốc để khách tham quan, hái mận dễ dàng hơn. Khách đến trải nghiệm, gia đình chị Xuân cũng kinh doanh thêm một số dịch vụ như đồ ăn, thức uống, giới thiệu các điểm tham quan, nghỉ dưỡng trong huyện cho khách có nhu cầu.

IMG_9633.JPG
Từ tháng 5, mận Tam Hoa chín lác đác, nông dân hái tỉa đem bán.

Cũng như chị Xuân, gia đình chị Sải Thị Luyến, thôn Na Lo, xã Tà Chải cũng gắn bó với cây mận Tam Hoa nhiều năm qua. Chị Luyến không biết những gốc mận “cổ thụ” trong vườn nhà mình đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết số tuổi của những cây mận này nhiều hơn con số 20 năm chị đến làm dâu “xứ mận”. Biết mận Tam Hoa là cây đặc sản của Bắc Hà, từ khoảng chục gốc mận ban đầu, gia đình chị Luyến đã trồng thêm hơn 100 cây với hy vọng có thêm nguồn thu từ loại quả đặc sản này.

Những năm gần đây, Bắc Hà đang dần định vị thương hiệu của mình trên bản đồ du lịch, chị Luyến cũng "khởi động" để theo kịp xu thế. Những năm trước, chị Luyến cũng mở cửa vườn cho khách đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm mùa hoa, mùa quả. Có sở trường về nấu ăn, thường xuyên nấu cỗ, lại là thành viên chính trong đội văn nghệ tại địa phương nên năm nay chị Luyến mạnh dạn “bước một chân” sang làm du lịch.

IMG_9560.JPG
Vườn mận của gia đình chị Sải Thị Luyến năm nay được mùa.

Chị Luyến chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách tại địa phương, nên năm nay, khi dựng nhà mới, gia đình chọn kiến trúc nhà sàn truyền thống và chuẩn bị làm homestay để đón khách. Khách đến với chúng tôi có thể trải nghiệm hái mận, thưởng thức ẩm thực, văn hóa, văn nghệ của người Tày. Mận đang vào mùa, mọi thứ trong gia đình cũng đã chuẩn bị xong, giờ chỉ đợi mùa mận chín để chính thức đón khách tới nhà, thăm vườn.

Từ những người nông dân chân chất, đơn thuần, chị Xuân, chị Luyến dần trở thành những người làm du lịch “bán chuyên”. Bởi thế nên cứ đến mùa hè, người làm du lịch, người trồng mận lại thấp thỏm, háo hức đợi chờ, mong một năm mận được mùa, được giá, khách đến Bắc Hà mỗi năm một đông hơn, có những trải nghiệm vui và thú vị hơn.

IMG_9682.JPG
Chị Luyến chụp ảnh, quay film giới thiệu sản phẩm mận Tam Hoa Bắc Hà trên internet.

Mận Tam Hoa là giống mận có phạm vi thích ứng hẹp, phù hợp với cao độ 900 – 930 mét so với mực nước biển và chỉ cho chất lượng quả ngon trên những diện tích đất tốt.

Huyện Bắc Hà hiện có 247 ha mận Tam Hoa, phân bố chủ yếu tại các xã Na Hối, Tà Chải, Bản Phố và một số diện tích nhỏ tại Lầu Thí Ngài, xã Lùng Phình.

Bởi vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp Bắc Hà đã chủ động đa dạng hóa giống mận để có thể rải vụ cũng như làm phong phú thêm sản phẩm tại địa phương. Một số giống mận phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân đang được phát triển tại Bắc Hà, như: Tam Hoa, Tả Van, Tả Hoàng Ly, mận ruột vàng chín sớm, Tả Van chín sớm và giống mận địa phương. Bởi vậy, mùa mận Bắc Hà thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào khoảng tháng 7.

IMG_9687.JPG
Các homestay chuẩn bị điều kiện đón khách trong đợt du lịch cao điểm trong mùa hè.

Anh Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà chia sẻ: Mận là một trong những đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa danh Bắc Hà. Mận không chỉ là sản phẩm của ngành nông nghiệp mà còn là sản phẩm thu hút khách du lịch đến Bắc Hà với hình thức du lịch trải nghiệm.

Với xu thế đó, chúng tôi khuyến khích người dân cải tạo, chăm sóc tốt vườn mận, chăm bón đúng kỹ thuật để có chất lượng mận ngon nhất. Năm nay được mùa, mẫu mã đẹp nên hứa hẹn một mùa mận đem lại thắng lợi lớn cho người nông dân.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lên Kin Chu Phìn ngắm “hoa hậu lê”

Lên Kin Chu Phìn ngắm “hoa hậu lê”

Ngay từ sáng sớm, mặc dù trời mưa nhưng vẫn có cả nghìn người dân và du khách vượt đường dốc đá gập ghềnh về thung lũng Kin Chu Phìn (xã Nậm Pung, huyện Bát Xát) trong niềm vui của ngày hội Trải nghiệm thu hái lê VH6 - bà con quen gọi là lê Tai nung. Năm nay lê Tai nung chín sớm hơn mọi năm, nên lễ hội lê cũng được tổ chức sớm hơn thường lệ.

Đổi thay Hát Tình

Đổi thay Hát Tình

Gần 10 năm từ sau vụ gặt lúa chiêm 2014, tôi trở lại Hát Tình, bản người Mông mà hồi đó nhiều người ở xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn) quen gọi là nơi “thâm sơn cùng cốc”, bởi để vào được vùng đất này thì đường đi gian nan vô cùng, phải ngược núi cao, vượt suối sâu...

Đồng bào Dao Điện Quan được mùa chanh leo

Đồng bào Dao Điện Quan được mùa chanh leo

Chanh leo từng có giai đoạn được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Bảo Yên với các mô hình được học tập từ Sơn La. Do nhiều nguyên nhân khiến một thời gian chanh leo Bảo Yên vắng bóng trên thị trường. Những năm gần đây, quả chanh leo tìm được đầu ra ổn định, các hộ nông dân khôi phục lại vườn, liên kết sản xuất thành vùng hàng hóa.

Không để xã nào bị thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới

Không để xã nào bị thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp đánh giá tiến độ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 và duy trì các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức vào sáng nay (26/6).

Mùa quả ngọt dưới núi Đại Bàng

Mùa quả ngọt dưới núi Đại Bàng

Dãy núi đá trắng và đỉnh núi nhọn thuộc thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) nhìn như đôi cánh đại bàng khổng lồ đang dang rộng. Ngày trước, khi mùa xuân đến có những đôi đại bàng rủ nhau về làm tổ nên đồng bào Mông nơi đây gọi là núi Đại Bàng.

Chiềng Ken dồn sức “về đích” nông thôn mới

Chiềng Ken dồn sức “về đích” nông thôn mới

Đi trên tuyến đường bê tông rộng mở chạy quanh thôn, xóm của xã Chiềng Ken (Văn Bàn), chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương của người dân đang chung sức “tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất”, hoàn thành nốt những kilômét đường liên thôn cuối cùng, sẵn sàng “về đích” nông thôn mới.

Thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ vùng trung du và miền núi

Thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ vùng trung du và miền núi

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những xu hướng nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, sản xuất theo hướng này đã và đang được nhiều địa phương thực hiện. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ có mặt ở vùng đồng bằng còn xuất hiện ở những địa bàn miền núi, nơi đồng bào dân tộc sinh sống. Việc sản xuất theo hướng này giúp nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, gia tăng giá trị sản xuất.

fb yt zl tw