Tại Lào Cai, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng, chính quyền ở cơ sở từng bước được xây dựng, quần chúng được giác ngộ. Biết không thể trụ lại, tháng 8/1954, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã dụ dỗ, lôi kéo thổ ty phản động như Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), Hoàng La Ú (Si Ma Cai), Lồ Quáng Chồ (Pha Long), Nông Vĩnh Tường (Bản Lầu)… theo đường Sa Pa - Lai Châu sang Lào. Sự kiện trên chấm dứt 68 năm (1886 - 1954) quân viễn chinh Pháp có mặt tại Laokay.
Xuân này, nhân sự kiện những lính Pháp và thổ ty tay sai tháo chạy khỏi Lào Cai 70 năm trước, tôi chuyện trò cùng ông Vù Seo Phềnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Si Ma Cai và được biết thêm về một nhân chứng lịch sử trong cuộc trốn chạy trên. Đó là câu chuyện ông cháu Việt kiều từ Pháp về thăm quê tại xã Nàn Sán vào xuân 2004. Ông già người dân tộc Nùng đã gần 80 tuổi, người cháu còn trẻ. Ông từng cầm đầu nhóm nổi phỉ ở khu vực người Nùng, người Thu Lao khu vực ven sông Chảy thuộc Bắc Hà và Si Ma Cai.
Nghe theo lời dụ dỗ của tên sĩ quan Pháp trên đồn Si Ma Cai, ông đã cùng thổ ty Hoàng A Tưởng chạy lên Sa Pa, Lai Châu, vượt biên sang Lào rồi được đưa sang Pháp. Ở bên đất người, chẳng quen ai, không có liên lạc, suốt mấy chục năm ông luôn trăn trở mong có dịp về thăm quê lần cuối. Đầu năm 2004, ông đánh liều cùng cháu nội tìm về cố hương. Đi máy bay về Nội Bài, ông thuê một phiên dịch, ngược lên Lào Cai, về Si Ma Cai chỉ trong một ngày đường. Bước xuống xe, ông trào nước mắt, quê mình đây ư? Không giống những gì ông nghe đài, tivi bên Pháp về các khu sắc tộc ở Việt Nam. Đường đổ bê tông vào thôn Nàn Vái, điện đến từng nhà, mùa hoa cải mà nương ruộng xanh mướt cây đậu tương, lại không thấy bóng dáng một bông hoa thuốc phiện nào. Mọi người trong dòng tộc đón ông chỉ gồm hàng cháu, chắt, còn người già cùng thế hệ với ông đã ra đi. Nghe cô phiên dịch trẻ chỉ dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp, còn những câu nói tiếng Nùng ông trao đổi cùng con cháu, cô đành xin lỗi không phiên dịch được. Một tuần thăm quê, cháu nội ông hào hứng về chuyến du lịch, còn ông cụ mừng vì quê hương đổi thay hơn nhiều và đau đáu tiếc nuối việc đã theo quân Pháp và lũ thổ ty phản động ra đi khi xưa.
Còn ông Cư Hòa Vần, cố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa X có lần về thăm quê trên bản Quan Thần Sán, vào thăm cơ quan huyện Si Ma Cai khi còn ở khu tập kết, tựa lưng vào núi Tình. Khi nghe kể về câu chuyện ông cụ Việt kiều, ông nói vui: Ông Phềnh nói đúng nhưng chưa hết chuyện cụ già Việt kiều người Nùng ở Nàn Vái đâu. Có lần trong chuyến đi công tác cùng Đoàn đại biểu của Quốc hội sang Pháp, nghe thông tin có ngài Chủ tịch phụ trách sắc tộc (Thượng nghị sĩ phụ trách dân tộc thiểu số bên Pháp), một số kiều bào đã đi tàu hỏa thông đêm về Pa-ri mong muốn gặp.
Cuộc gặp mặt không chỉ đại biểu kiều bào dân tộc ở Pháp mà còn có đông đảo Việt kiều, khách du lịch là kiều bào một số nước đang ở Pa-ri. Đồng bào rất phấn khởi, nhưng vẫn còn e dè không biết Thượng nghị sĩ Cư Hòa Vần có phải người dân tộc thiểu số đích thực không? Sau những thủ tục ngoại giao, ông Vần được mời lên phát biểu, ông hỏi có đồng bào nào quê ở miền núi Tây Bắc không, có ai quê ở Laokay? Phía dưới khán phòng, mấy cánh tay giơ lên. Một cụ già nhỏ thó đứng lên nói quê ở bản Nàn Vái, Bắc Hà, tỉnh Laokay bằng tiếng Nùng. Phiên dịch đề nghị cụ nói tiếng Pháp, cụ lắc đầu. Ông Vần trả lời cụ bằng tiếng Nùng pha tiếng Quan thoại và còn nói cụ nói tiếng Nùng cũ, hơi ngọng và khó nghe. Tiếng Nùng hôm nay thay đổi, dễ nghe hơn rồi, cụ cứ lên tivi xem chương trình đối ngoại để có thêm thông tin về quê hương và nhớ đưa con cháu về thăm quê. Khi ông nói bằng tiếng Việt, được phiên dịch qua tiếng Pháp, cả hội trường vỗ tay rần rần. Còn ông cụ Việt kiều xác nhận: Ông Thượng viện đúng là người dân tộc ở vùng núi Laokay.
Cùng lúc, một cụ bà đứng lên xin phép được hỏi chuyện. Cụ nói là người Mông, quê châu Phong Thổ, tỉnh Laokay, nghe đài nói quê cụ đã lên thành phố, mong ông Thượng nghị sĩ kể đôi chút về bà con trong bản. Ông Vần hiểu ý câu hỏi của bà cụ, ông trả lời bằng tiếng Mông rằng huyện Phong Thổ sau khi giải phóng đã đổi thay, khi cụ còn ở Việt Nam, châu Phong Thổ thuộc tỉnh Laokay, nay là tỉnh Lào Cai, có khu du lịch Sa Pa nổi tiếng. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ được đổi thành huyện Phong Thổ thuộc về Khu tự trị Thái - Mèo. Năm 1962, khi thành lập tỉnh Lai Châu, Phong Thổ thành huyện của tỉnh này. Năm 2003 chia tách tỉnh Lai Châu thành tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu, tỉnh lỵ đóng tại Phong Thổ; quê cụ trước là châu lý Phong Thổ, nay bao gồm thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường. Vùng chè Tam Đường là trung tâm thành phố, không ai đẩy dân bản lên núi như một số thông tin nói cả! Nghe ông Vần nói, cụ bà ngồi xuống ôm mặt khóc rưng rức làm cả hội trường xúc động. Ông Vần một lần nữa nói lại tiếng Việt để phiên dịch ra tiếng Pháp làm nhiều kiều bào xúc động lau nước mắt. Cuộc gặp mặt đã bỏ qua nghi thức, nhiều kiều bào cố lại gần bắt tay ông Thượng nghị sĩ đích thực người dân tộc thiểu số và hứa sẽ thu xếp sớm về thăm quê hương…
Nội dung: Phạm Khắc Xương
Trình bày: Khánh Ly