Thực tế cho thấy, Mường Khương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Với đặc thù là huyện thuần nông, kinh tế, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên người dân luôn quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, Mường Khương có lợi thế cạnh tranh lớn so với các địa phương khác trong tỉnh chính là đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Một điểm cộng cho Mường Khương là nông sản địa phương (chè, dứa, ớt) có chất lượng nổi trội, khác biệt so với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, hiện trên địa bàn có 5.456 ha chè kinh doanh, sản lượng đạt 35.000 tấn búp tươi/năm; 1.500 ha dứa, sản lượng đạt 45.000 tấn quả/năm; 600 ha chuối, sản lượng đạt 18.000 tấn quả/năm; 200 ha ớt, sản lượng đạt 1.000 tấn quả/năm.
Diện tích các cây trồng chủ lực của huyện Mường Khương theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lên tới 9.490 ha, chiếm 52,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp, giá trị đạt 1.400 tỷ đồng, chiếm 73% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong những năm qua, huyện Mường Khương đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt vào những cây trồng chủ lực, quy mô lớn, tập trung và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Mường Khương đã thu hút được 5 nhà đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến chè, dứa, thịt lợn đen tại địa phương, với tổng mức đầu tư hơn 85 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 - 2025, huyện Mường Khương sẽ thu hút nhà đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến chè tại thị trấn Mường Khương và xã Lùng Khấu Nhin với công suất chế biến mỗi nhà máy đạt 10.000 tấn chè búp tươi/năm, tổng mức đầu tư từ 35 - 40 tỷ đồng.
Kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp tương đối khả quan, theo đúng chủ trương của huyện đề ra, đó là đầu tư chế biến sâu các ngành hàng chủ lực, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, tạo liên kết chặt chẽ, cùng hưởng lợi giữa doanh nghiệp và nông dân.
Để có được kết quả này, huyện Mường Khương đã cụ thể hóa các Nghị quyết số 26 ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Nghị quyết 33 ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 16 của Nghị quyết số 26 ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh; Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào thực tế.
Cùng với đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, đồng hành với nhà đầu tư theo phương châm “khó ở đâu, gỡ ở đó”; phân công cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư liên kết, phát triển vùng nguyên liệu; tìm kiếm, giới thiệu địa điểm xây dựng nhà máy, đảm bảo gần vùng nguyên liệu, thuận lợi về giao thông. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai…
Tuy nhiên, “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại Mường Khương chính là thủ tục hồ sơ pháp lý về đất đai phức tạp, mất nhiều thời gian để thực hiện khiến không ít nhà đầu tư nản lòng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Mường Khương sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất nông nghiệp, đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng, đáp ứng mặt bằng “sạch” cho các doanh nghiệp thuê để đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản.