Từ chủ trương này, huyện Mường Khương tiếp tục quy hoạch, cơ cấu lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, kịp thời định hướng người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến.
Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, Mường Khương thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Với phương châm “Lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của người dân và của địa phương”, huyện Mường Khương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nghiên cứu, triển khai đầu tư trên địa bàn. Trong đó, huyện tập trung tạo đột phá về môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chủ động huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết sản xuất…
Ông Hoàng Trường Minh, Quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn coi việc của nhà đầu tư như việc của địa phương, cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc; những việc vượt quá thẩm quyền phải chủ động, kịp thời báo cáo UBND huyện xem xét, giải quyết, không để nản lòng nhà đầu tư. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Chính vì vậy, huyện Mường Khương đã phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, với 2.800 ha chè, 1.500 ha dứa, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến.
Ông Hoàng Phú Cường, Giám đốc Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương (Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu) khẳng định: Việc triển khai dự án của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi do tỉnh và huyện quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, đất đai, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, dự án hoàn thành đúng tiến độ và đi vào sản xuất ổn định, góp phần tiêu thụ dứa quả cho nông dân trên địa bàn.
Từ những giải pháp trên, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Khương rất khả quan. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Mường Khương đã thu hút được 7 dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, với tổng vốn đầu tư 118 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 9.000 lao động, chủ yếu là người địa phương. Có thể kể đến các dự án như Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương (Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu) với quy mô sản xuất 10.000 tấn nông sản (quả dứa)/năm; Nhà máy Chế biến chè (Hợp tác xã chè Mường Khương) 10.000 tấn chè búp tươi/năm; Nhà máy Chế biến chè xuất khẩu Bản Sen (Hợp tác xã Bản Sen) 5.000 tấn chè búp tươi/năm; xưởng sơ chế nông sản (Hợp tác xã Cộng đồng Mường Khương) công suất 500 tấn/năm…
Việc thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường Khương đã mang lại “lợi ích kép”, đó là duy trì và mở rộng diện tích vùng sản xuất hàng hóa, nhất là các cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo việc làm và thu nhập cho người dân, cũng như giữ chân lao động địa phương, không phải “ly hương”, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới như lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, nghèo đa chiều.
Hiện nay, rào cản thu hút thêm các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp tại Mường Khương chính là hạ tầng giao thông, quy hoạch sử dụng đất. Theo ông Hoàng Trường Minh, nếu giải quyết được 2 rào cản này thì không chỉ có 7 dự án mà sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện.