Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói về việc tự phê bình và bình. Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả, điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”.
Cũng trong tác phẩm này, Người chỉ rõ: “Thang thuốc tốt nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”. Mỗi cán bộ, đảng viên “mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình “để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng”.
Mặc dù đến Đại hội II (1951), Đảng ta mới đưa tự phê bình và phê bình vào Điều lệ Đảng, nhưng ngay từ khi mới ra đời (3/2/1930), Đảng ta đã mang trong mình tinh thần “tự chỉ trích” rất nghiêm túc. Dù thời gian đã lùi xa nhưng những tư tưởng, lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam để Đảng ta vận dụng vào thực tiễn quá trình lãnh đạo đất nước. Trải qua 94 năm với bề dày lịch sử, kinh nghiệm, trí tuệ, khoa học, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là việc tự phê bình và phê bình, trong đó coi việc “tự soi, tự sửa” của mỗi đảng viên, tổ chức đảng là mấu chốt để đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức đảng.
Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, Đảng ta đều có nghị quyết, kết luận về việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mong muốn Đảng ta ngày càng vững mạnh, trong sạch. Đó là: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đến Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chỉ rõ: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã ban hành Kết luận 21 về: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tuy đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng kiểm điểm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhận thấy: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”.
Cũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay cho thấy có không ít cán bộ, đảng viên, nhất là một số cán bộ cấp cao, thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý đã vi phạm Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm và vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị xử lý nghiêm minh về kỷ luật Đảng và cả xử lý hình sự. Qua những vụ việc trên cho thấy công tác tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa nghiêm túc; công tác đấu tranh, phê bình của các tổ chức đảng có đảng viên vi phạm đã bị nơi lỏng, xem nhẹ. Nhất là vai trò của người đứng đầu, của cán bộ chủ trì bị buông lỏng, chi phối tác động do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của
Nhà nước là do trong cuộc sống, công việc hằng ngày đã quên rằng mình đang là cán bộ, đảng viên, là những công bộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Đừng để đảng viên xem nhẹ trách nhiệm “tự soi, tự sửa” và “quên rửa mặt” hằng ngày, mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần phát huy tinh thần đấu tranh thẳng thắn, góp ý chân thành, vì sự nghiệp chung của Đảng. Tránh tình trạng thấy sai mà không dám phê bình, góp ý để đồng chí, đồng đội mình tiến bộ, trưởng thành; để đảng viên không kéo dài, lún sâu vào những sai lầm, khuyết điểm, sớm nhận ra những việc làm ti tiện, sai trái, nhanh chóng khắc phục hậu quả (nếu có), sửa chữa lỗi lầm của mình gây ra, giữ gìn uy tín cho Đảng, danh dự cho bản thân, gia đình, dòng họ. Có làm việc ắt sẽ có sai sót, khuyết điểm nhưng sớm tự nhận ra hoặc được đảng viên cùng tổ đảng, cùng chi bộ nhắc nhở, cảnh tỉnh chắc chắn đảng viên sẽ sớm tỉnh ngộ, tránh được những vi phạm.