“Luồng gió độc” đó mang tên “Nhà nước Mông”, tổ chức “Bà cô Dợ” tràn qua làm xáo trộn sự bình yên vốn có của các bản với những người dân chất phác, thật thà… Tuy nhiên, đến nay với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La, đặc biệt là lực lượng công an chính quy, những bản Mông hôm nay đã bình yên trở lại.
Không làm mà vẫn có ăn…?
Theo lời giới thiệu của cán bộ công an xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, chúng tôi ngược đường thêm 15 km để đến với bản Háng Đồng C, một trong những bản còn nhiều khó khăn của xã Háng Đồng với 100% hộ đồng bào dân tộc Mông… Vài năm trước, tại đây đã có nhiều người bị đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ đi theo cái gọi là “Nhà nước Mông”.
Không chỉ có vậy, một số đối tượng còn hoạt động với vai trò chủ mưu, cầm đầu, tích cực tuyên truyền, kích động và tổ chức đưa người vượt biên sang bên kia biên giới tham gia vào hoạt động này.
Đi hụt hơi mới tới nhà Mùa A Dơ, một trong những “thành viên” của nhóm hoạt động trốn đi nước ngoài và nghe theo tiếng gọi của “Nhà nước Mông”.
Trong căn nhà lụp xụp chưa đầy 40m2, không có bất cứ thứ tài sản đáng giá nào ngoài chiếc giường gỗ ọp ẹp bị mối cắn đầy chân. Tết Giáp Thìn 2024 vừa rồi là Tết đầu tiên sau khi Mùa A Dơ chấp hành án phạt cải tạo xong ở Trại giam Nà Tấu…
Anh Mùa A Dơ, bản Háng Đồng C giờ đây đã ổn định được cuộc sống, không còn nghe theo lời kẻ xấu nữa.
Bên bếp lửa cùng ấm nước chè xanh pha vội trong chiếc ấm cũ kỹ với mấy chiếc chén sứt mẻ không còn quai, Mùa A Dơ kể lại với chúng tôi bằng chất giọng khàn đặc: Khi đó, để thực hiện việc lôi kéo Mùa A Dơ và một số người khác trong bản đi theo cái gọi là “Nhà nước Mông”, các đối tượng xấu đã đánh vào hiểu biết còn hạn chế của anh và dân bản.
Các đối tượng tung ra những thông tin mang tính chất hoang đường, lợi dụng việc mê tín dị đoan như “sắp có họa lớn”, “sắp đến ngày tận thế”... để lừa phỉnh, lôi kéo, làm cho anh và một số người khác vừa hoang mang, lo sợ.
Tin lời chúng, Mùa A Dơ cùng một đối tượng khác trong bản và các đối tượng ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên đã theo các đối tượng xấu vượt biên sang bên kia biên giới để cùng tập hợp lực lượng, từng bước thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”.
Tuy nhiên, khi sang đến nơi Mùa A Dơ cũng như bao người khác mới “vỡ mộng”. Không giống như những gì mà các đối tượng chủ mưu “quảng cáo”, chả cần làm gì cũng có ăn, có tiền tiêu. “Ở đó cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sống chui sống lủi trong rừng sâu, đến nơi này tôi rơi vào thế tiến không được, lùi cũng không xong”, Mùa A Dơ rầu rầu kể lại.
Anh Mùa A Kỷ, một trong những người từng bị kẻ xấu lôi kéo rồi vi phạm pháp luật, giờ đây đã xây dựng một cuộc sống mới, ổn định.
Chị Sồng Thị So, vợ của Mùa A Dơ, tâm sự: “Chồng tôi đã chấp hành xong cải tạo về những hành vi sai trái của mình. Giờ mong muốn lớn nhất của tôi là cả 2 vợ chồng chịu khó làm ăn để có một khoản tiền làm nhà, mua xe,… và hơn hết là cho các con đi học đại học”.
Hơn 150km từ thành phố Sơn La tới huyện biên giới Sốp Cộp, rồi theo chân cán bộ công an xã và công an huyện, chúng tôi ngược thêm 80km đường đèo dốc để tới bản Huổi Luông, xã Mường Lèo.
Huổi Luông hiện hữu trước mắt là một bản vùng cao bình yên, điện lưới quốc gia cũng được kéo tới mỗi mái nhà đồng bào Mông. Tuy nhiên, con đường tới bản vẫn là một phép thử với sức người và độ khéo léo của cánh tài xế.
Ở cái tuổi 35, nhưng khuôn mặt Giàng A So trông già hơn tuổi. Là người đã từng có “thâm niên” tham gia tổ chức “Bà cô Dợ”, Giàng A So bồi hồi kể lại quá khứ chìm trong u tối bởi những luận điệu mà Vừ Thị Dợ gieo rắc: "Vào năm 2019, gia đình tôi có 9 người, gồm mẹ già, 2 vợ chồng và 6 con nhỏ, bị một đối tượng trong bản lôi kéo, tham gia đạo “Bà cô Dợ”".
Anh Giàng A So (áo trắng ở giữa), bản Huổi Luông, xã Mường Lèo nay đã tỉnh ngộ và không còn tin theo cái gọi là "Bà cô Dợ".
Tổ chức “Bà cô Dợ” đã cho anh và gia đình 1.200 USD, số tiền mà anh Giàng A So hay bất cứ người dân nào trong bản cũng chẳng thể nào kiếm được trong một thời gian ngắn và anh đã dùng số tiền đó để cưới vợ cho con trai.
Các đối tượng xấu bảo nếu đi theo đạo “Bà cô Dợ” thì sau này sẽ có một “Vương quốc Mông” tự trị, không cần làm cũng có ăn mặc đầy đủ. Các đối tượng còn bảo, không được đi tiêm vaccine Covid-19 vì vaccine sẽ làm giảm trí nhớ, gây hại cho sức khỏe con người…
Không chỉ có vậy, Giàng A So còn được đối tượng đó tuyên truyền rằng, dịch bệnh đang tràn lan, ngày tận thế đang đến gần, sẽ có chiến tranh xảy ra, lúc đó nước sẽ biến thành máu. Do đó, trong nhà có bao nhiêu gạo thì phải nấu thành cơm, rồi phơi khô và đóng bao. Còn nước uống thì đun sôi rồi cho vào can, thùng nhựa để tích trữ. Khi có chiến tranh xảy ra thì chỉ cần mang gạo ra ngâm nước để ăn, không phải nấu nữa.
“Tin lời kẻ xấu, tôi đã mua 10 thùng nhựa 20 lít để đựng nước sôi và nấu 3 bao gạo thành cơm rồi phơi khô. Nhưng sau đó cơm bắt đầu mốc, còn nước thì để một thời gian bị mọc rêu xanh, không còn dùng được nữa. Đi theo đạo này, vào những ngày cầu nguyện (thường là chủ nhật hằng tuần) thì không được cho người lạ vào nhà, mình cũng không được ra khỏi nhà, thậm chí con trâu cũng không cho lên núi ăn cỏ. Nhờ có các anh công an, cán bộ xã giải thích, tuyên truyền, tôi đã tỉnh ngộ rồi”, Giàng A So chia sẻ thêm.
Bản H’Mông rộn rã tiếng khèn…
Sơn La từng là một trong những địa bàn phức tạp về hoạt động tuyên truyền, thành lập “Nhà nước Mông” ly khai, tự trị và tổ chức “Bà cô Dợ”... Qua vận động, tuyên truyền, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hộ với hàng trăm nhân khẩu từ bỏ tà đạo “Bà cô Dợ”.
Để có được kết quả đáng mừng đó là sự kiên trì vận động của lực lượng công an và các lực lượng khác trong tỉnh, trong đó lực lượng công an cơ sở đóng vai trò quan trọng khi tích cực bám bản, bám dân truyên truyền, vận động đồng bào không nghe theo lời kẻ xấu.
Bằng những hiểu biết, kinh nghiệm học hỏi của mình, lực lượng công an xã đã tích cực phối hợp hướng dẫn bà con thực hiện việc phát triển các mô hình kinh tế. “Lời nói đi đôi với hành động”, bằng những việc làm tuy nhỏ nhưng đầy thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La đã xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng sâu sắc trong lòng dân ở các cơ sở.
Lực lượng công an xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động người dân các bản vùng cao từ bỏ tà đạo "Bà cô Dợ".
Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, cho biết: “Những nỗ lực của lực lượng công an cơ sở đã được tỉnh, ngành đánh giá cao. Kết quả đó chính là nhờ sự vào cuộc của lực lượng công an phối hợp với các lực lượng trong tuyên truyền, vận động người dân không tin, nghe theo lời kẻ xấu”.
Trên mỗi bản vùng cao của đồng bào Mông cho đến các bản vùng thấp, giờ đây cùng với việc tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chỉ đạo các ban, ngành phối hợp cùng lực lượng công an ở cơ sở vận động nhân dân tích cực tham gia các chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Cho đến nay cuộc sống của đồng bào Mông tại các xã, bản vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều khởi sắc.
Ông Tòng Văn Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Đến nay, đời sống của người dân ở Mường Lèo đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Với sự quan tâm đầu tư của huyện, đường lên các bản và các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, việc giao thương, buôn bán nông sản thuận tiện hơn rất nhiều”.
Tại các bản vùng cao của Sơn La, đồng bào Mông đã yên tâm lao động, sản xuất, không còn nghe theo lời kẻ xấu như trước.
Hôm nay, đến với các xã, bản vùng cao, vùng biên giới hay vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, cảm nhận rõ sự chuyển mình nơi đây khi đồng bào các dân tộc chăm chỉ lao động, sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, xây dựng xã, bản ngày càng phát triển và no ấm.
Đất không phụ công người, giữa lưng trời núi cao, đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Mông nói riêng đã ngoan cường, vươn lên, rũ bỏ ám ảnh của tà đạo, không nghe theo lời kẻ xấu, tạo nên một cộng đồng gắn kết với bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt. Để rồi hôm nay, khắp các bản nơi rẻo cao đã ngân vang lại những tiếng khèn, tiếng pí gieo hy vọng với quyết tâm xây dựng xã, bản giàu mạnh của đồng bào giữa đại ngàn gió núi.