Bạo lực gia đình, không đơn giản chỉ là những vụ bạo hành về thân thể, mà còn có bạo lực tinh thần, tình dục và kinh tế. Bạo hành thường gây ra những vụ ầm ĩ được nhiều người ở cộng đồng, khu dân cư biết đến, điều này rất dễ dàng cho công tác hòa giải, hoặc xử lý của các ban, ngành đoàn thể tại địa phương tùy theo mức độ vụ việc. Tuy nhiên, tâm lý e dè, thiếu tự tin hoặc sự mặc cảm, lo sợ “vạch áo cho người xem lưng”, phần đa nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình là phụ nữ thường âm thầm chịu đựng, chỉ khi vụ việc được phát giác, nhiều người biết thì mới tâm sự với người ngoài.
Bởi vậy, các câu lạc bộ nhằm phòng, chống bạo lực gia đình từ thôn, tổ, khu dân cư đến xã, phường, thị trấn, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con, đây còn là nơi để những nạn nhân của bạo lực gia đình có thể đến sẻ chia những khúc mắc về bạo lực gia đình tại địa phương hoặc ngay tại gia đình mình.
Phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) có mô hình “Cùng xây tổ ấm” thu hút 46 thành viên (23 cặp vợ chồng) tham gia. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, các thành viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, góp phần gắn kết, dung hòa mối quan hệ gia đình, đẩy lùi xung đột, bạo lực.
Ngày 22/2/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 118 triển khai thực hiện Chỉ thị thị số 06 ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình về gia đình trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội.
Chỉ tính riêng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức xây dựng và nhân rộng 15 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 15 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố với 75 câu lạc bộ (nâng tổng số mô hình phòng, chống bạo lực gia đình lên 127 mô hình với 635 câu lạc bộ, chiếm hơn 80% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ). Các mô hình đều thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều hộ, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Các cấp hội phụ nữ cũng tích cực thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Hơn 500 mô hình thuộc dự án như tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy, thủ lĩnh của sự thay đổi... được thành lập và hoạt động hiệu quả ở các địa phương thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng công tác gia đình, nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, tỉnh tổ chức Hội thảo cấp tỉnh “Công tác gia đình tỉnh Lào Cai trong tình hình mới”; tổ chức Lễ phát động thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con cháu hiếu thảo”…
Những nỗ lực kể trên là điều kiện góp phần tạo nên những “tổ ấm” yên vui, những gia đình luôn tràn ngập tiếng vui cười, hạnh phúc. Ở đó, tình yêu thương được dựng xây dựa trên sự sẻ chia, đồng cảm của các thành viên trong gia đình. Niềm vui được nhân lên trong mỗi gia đình cũng là động lực cho quốc gia ngày càng thịnh vượng.