Tôi đã đặt lịch hẹn đi “săn mây” từ cuối tháng 9, thế nhưng theo con mắt của các nhiếp ảnh gia thì thời điểm đó mây đang ở tầng rất cao, chỉ ở đỉnh Fansipan hoặc leo lên một số đỉnh núi cao mới ngắm được mây. Nhận được cuộc gọi của anh Ngọc Bằng, tôi vội vã tới điểm hẹn bởi không muốn bỏ lỡ cơ hội tận mắt chứng kiến những khoảnh khắc đẹp của tự nhiên mà không phải lúc nào cũng gặp. Vậy là chúng tôi lên đường “săn mây”.
Từ khoảng tháng 9 đến hết năm, đỉnh Fansipan, Hàm Rồng, Ô Quý Hồ (Sa Pa), Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Y Tý (Bát Xát)... sẽ thường xuất hiện “biển” mây. Dân leo núi dễ có cơ hội bắt gặp những áng mây bồng bềnh, trắng như bông, phủ cả núi đồi. Nhưng đối với nhiếp ảnh thì mùa mây ở Sa Pa vào tháng 11, 12 hằng năm có sức hút nhất, đó là khi nhiệt độ giảm, mây nén xuống sâu khu vực trung tâm thị xã. Bởi thế, vào thời điểm này, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh từ khắp nơi trong nước lên Sa Pa, ở lại cả tháng trời chỉ để “săn” được những khoảnh khắc đẹp.
Mây đẹp theo cách gọi của các nhiếp ảnh gia cũng khác so với những du khách ngắm mây thông thường. Để chụp ảnh đẹp với mây, không cần phải là “biển” mây che kín, mà là mây luồn, tầng mây trườn qua lưng núi, qua những mái nhà hoặc những ngọn cây. Những áng mây trắng được gió thổi tách ra, tạo thành khe hở để mặt trời trên cao rọi xuống, những tia nắng chiếu qua tầng mây lãng đãng, cảnh vật phía dưới hiện ra, mọi thứ mờ mờ ảo ảo, có chút huyền bí, mang sức hút lạ kỳ.
Gọi là “săn mây” bởi phần mây trắng bồng bềnh, đẹp nhất chỉ xuất hiện trong khoảng vài phút. Mây trời không chờ đợi bất cứ vị khách nào và để “săn mây” thành công phải dựa nhiều vào yếu tố may mắn. Vì vậy, những chuyến “săn mây” giống như cuộc chạy đua với thời gian để bắt gặp đúng khoảnh khắc với xác suất thành công rất nhỏ.
Suốt hành trình từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, nhiếp ảnh gia Ngọc Bằng nhớ lại biết bao lần anh “săn mây” hụt. Có những mùa mây, anh cùng các tay máy khác ở Sa Pa nhiều ngày, có ngày ngồi mấy tiếng đồng hồ chờ đợi, có thời điểm phải ngủ nhiều ngày trên đỉnh Fansipan. Khi thì mây dày đặc che hết mọi cảnh vật, lúc thì sương mù bao phủ hoặc mây loãng và vụt qua quá nhanh.
Anh nhớ một buổi sáng, trời nhiều sương mù và tầng mây đang ở rất cao. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh “phục” từ sớm đến 8 giờ sáng. Thế rồi, ngay lúc không ngờ nhất, mặt trời hiện lên, tia sáng rọi qua khe hở của mây, chiếu đúng vào nóc nhà thờ đá. Một nhiếp ảnh gia kịp bấm máy, mọi thứ diễn ra chỉ trong tích tắc. Đó là bức ảnh duy nhất chụp được khoảnh khắc đẹp trong ngày, tất cả những người bấm máy sau đó dù chỉ sau 1 giây cũng đã muộn. Vì thế, để “săn” được mây đẹp, người chụp phải chuẩn bị kỹ máy ảnh, tập trung cao độ và cần cả sự may mắn. “Năm nào cũng đi chụp ảnh mây nhưng tới giờ tôi chỉ ưng ý nhất 2 bức ảnh. Đó là bức ảnh chụp năm 2011 và bức chụp năm 2017. Đi chụp ảnh với mây, nhiều lúc không rời mắt khỏi máy ảnh, tới giờ ăn cũng bỏ qua, chạy đuổi theo mây, rơi giày cũng không quay lại nhặt”, anh Ngọc Bằng tâm sự.
Sau nhiều năm “săn mây” ở Sa Pa, nghiên cứu kỹ góc chụp, thời tiết, các nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng rút ra một số kinh nghiệm. Để “săn” được mây đẹp phải dành nhiều thời gian và cả tâm lý. Vào khoảng tháng 11 hằng năm, nếu xem dự báo thời tiết ngày hôm sau không có mưa, người chụp ảnh sẽ phải có mặt ở Sa Pa khoảng 5 giờ, sau đó xuống Hầu Thào chuẩn bị chụp mây lúc bình minh. Khoảng 8 giờ sáng tiếp tục “chạy” lên thị xã, đứng đối diện nhà thờ đá có thể chụp được khoảnh khắc mây tràn qua nóc nhà thờ. Nếu thấy mây vẫn ở tầng cao thì lên Ô Quý Hồ, hoặc lên hẳn đỉnh đèo, nếu mây vẫn cao thì lên đỉnh Fansipan để chụp, sau đó là chờ nắng lúc hoàng hôn.
Sau gần 1 giờ nghe kinh nghiệm “săn mây” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngọc Bằng, chúng tôi lên đến thị xã Sa Pa. Hơn 3 giờ chiều, nhiệt độ chỉ khoảng 15, 16 độ C, cả thị xã chìm trong sương mù, đứng cách nhau vài bước chân cũng không nhìn rõ mặt. “Thời tiết lạnh nhưng khô ráo, không mưa, có sương mù hoặc có chút nắng nhẹ thì xác suất có mây chuẩn bị “sà” vào thị xã sẽ rất cao”, anh Ngọc Bằng cho biết.
Chúng tôi đi bộ lên núi Hàm Rồng. Anh Ngọc Bằng mang theo máy ảnh và cả flycam. Từ độ cao khoảng 1.400 m đến 1.800 m so với mực nước biển, trên núi Hàm Rồng, nếu sương tan có thể ngắm trọn thị xã trong tầm mắt. “Bây giờ có flycam, chỉ cần ở dưới điều khiển là chụp được ảnh từ trên cao, tại sao vẫn phải leo lên núi cao vậy hả anh?”. Tôi thắc mắc, anh Ngọc Bằng lý giải: Nhiếp ảnh gia mang theo flycam chủ yếu dùng quan sát từ trên cao hoặc quay video. Nếu muốn chụp được ảnh có mây đẹp thì tốt nhất vẫn nên sử dụng máy ảnh, bởi máy ảnh có độ phân giải cao hơn. Những khoảnh khắc mây được chụp từ máy ảnh sẽ luôn rõ nét hơn các thiết bị khác.
Trên sân mây của núi Hàm Rồng, ở độ cao 1.400 m so với mực nước biển, trời vẫn mù mịt sương, anh Bằng có chút thất vọng: “Mây vẫn ở tầng cao lắm, có lẽ phải ngồi chờ, chiều muộn nhiệt độ giảm sâu thì may ra mây nén xuống”. Anh Bằng điều khiển flycam lên cao hơn mặt đất khoảng 160 m. Nhìn qua flycam có thể thấy bầu trời trong xanh và biển mây dày đặc, mọi cảnh vật bên dưới đều bị mây che phủ. “Thời tiết mù mịt như thế này, người điều khiển không thể nhìn thấy thiết bị bay đang ở vị trí nào. Để an toàn cho thiết bị, không nên điều khiển cho flycam bay vòng hoặc bay ngang, khi cho thiết bị hạ cánh cứ để flycam bay thẳng xuống sẽ tránh được rủi ro”, anh Bằng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm.
Chúng tôi chờ gần 1 giờ đồng hồ, dù nhiệt độ giảm nhẹ nhưng mây vẫn ở trên tầng cao, cũng không có cơn gió nào thổi qua để tách đám mây ra, tạo khe hở cho ánh nắng mặt trời rọi xuống. Trời về chiều, sương mù càng dày đặc. Hôm nay là ngày “săn mây” hụt, tôi chỉ có thể chiêm ngưỡng biển mây rộng lớn như chốn bồng lai tiên cảnh huyền ảo qua flycam. Thế nhưng, với các nhiếp ảnh gia, những lần “săn” hụt như vậy là chuyện thường ngày.
Chúng tôi kết thúc chuyến “săn mây” khi trong lòng có chút tiếc nuối. Thế nhưng, chuyến đi giúp tôi thêm hiểu tình yêu cái đẹp, sự nhọc nhằn của các nghệ sỹ nhiếp ảnh để chụp được những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chắc chắn với “những kẻ nghiện mây” như anh Ngọc Bằng hoặc nhiều nhiếp ảnh gia khác, hành trình “săn mây” vẫn sẽ tiếp tục qua rất nhiều năm…