Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News

Khởi sắc giáo dục ở xã nghèo

1.jpg

Mặc dù là 1 trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, nhưng giáo dục ở Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) lại có nhiều khởi sắc. Đó không chỉ là cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, tỷ lệ chuyên cần được duy trì ổn định, mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy, nhận thức của người dân về sự học của con em mình.

Hơn 20 năm giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố, cô giáo Lý Thị Tấu không thể quên những ngày mới “chập chững” vào nghề. “Thời điểm đó, nơi đây rất khó khăn, chưa có điểm trường cố định mà mỗi thôn, bản có 1 điểm trường riêng, mỗi điểm trường có 3 giáo viên phụ trách 30 - 40 học sinh tiểu học, từ lớp 1 tới lớp 5. Mỗi điểm trường chỉ có vài ba lớp học được dựng tạm bằng những tấm gỗ mỏng, mùa đông gió lùa lạnh tê tái” - cô giáo Tấu nhớ lại.

Dạy học ở xã nghèo, điều khó khăn nhất là vận động học sinh đến trường và duy trì tỷ lệ chuyên cần. Với cô giáo Tấu và các đồng nghiệp cũng không ngoại lệ. Mặc dù nhiều gia đình muốn con em được đến lớp, nhưng do đường đi lại khó khăn, kinh tế gia đình còn “lo ăn từng bữa” nên cho trẻ nghỉ học nhiều, giáo viên cắm bản phải đến từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh.

2.jpg

“Tôi nhớ trường hợp em Quáng, người Mông. Em là con thứ 4 của một gia đình có 5 anh chị em, anh cả đã lấy vợ ở riêng, anh thứ 2 đang học THCS, Quáng là con thứ 4, cha bị câm điếc, còn mẹ là lao động chính trong gia đình. Do gia cảnh khó khăn nên mẹ muốn Quáng ở nhà trông cha và phụ giúp các công việc gia đình, để người anh thứ 2 đi học. Khi đến nhà, chứng kiến cậu bé lớp 5, người nhỏ thó, nhanh thoăn thoắt cho người cha ăn uống, dọn nhà rất gọn gàng, tôi vô cùng xúc động. Tôi đã vận động rất nhiều, cuối cùng mẹ em cũng đồng ý cho em đến lớp học. Đầu tuần đến trường học và ăn ngủ cùng các cô, cuối tuần chúng tôi lại phân công nhau đưa em về tận nhà. Hiện nay, Quáng đang tiếp tục học lên THCS. Hoặc trường hợp của em Chênh, cha mẹ ly hôn, mẹ sang Trung Quốc lấy chồng, cha ở gần nhà nhưng không quan tâm, em sống với người cậu. Gia đình người cậu đông con, cũng khó khăn nên em ở nhà phụ giúp công việc nhà, phải mất rất nhiều thời gian và công sức vận động, cuối cùng người cậu đã đồng ý cho em đi học, hiện em đã học xong THCS” - cô giáo Tấu kể.

4.jpg

Thầy giáo Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hoàng Thu Phố cũng không quên ngày đầu mới nhận công tác tại đây. Trước đây, việc sang Trung Quốc làm thuê phát triển mạnh, có thời điểm, vài chục học sinh nghỉ học để đi làm cùng bố mẹ. Cha mẹ các em bảo rằng “học chữ còn lâu mới giàu, đi làm thuê mới nhanh đổi đời”. Rồi học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm cũng “như cơm bữa”. Với tinh thần trách nhiệm cùng nhiệt huyết, “tất cả vì học sinh thân yêu”, các thầy cô giáo đã tích cực tổ chức các buổi tuyên truyền ngoại khóa về pháp luật, giao lưu văn nghệ hoặc trò chơi dân gian giúp các em được vui chơi, thu hút học sinh đến trường. Nhà trường còn thành lập “Đội tuyên truyền măng non” do chính các em là tuyên truyền viên. Vào buổi ra chơi giữa giờ, phòng thu thanh của Liên đội Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hoàng Thu Phố lại sôi nổi, rộn ràng vang tiếng nhạc hiệu và giọng phát thanh trong trẻo của người dẫn chương trình. Mỗi ngày một chủ đề, như Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

5.jpg

“100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận các kênh thông tin, kiến thức còn hạn chế. Chương trình phát thanh măng non đã cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích. Thông qua chương trình còn giúp học sinh gần gũi với nhau hơn, thêm yêu trường yêu lớp. Nhờ tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, những năm gần đây cơ bản đã hạn chế tình trạng học sinh tảo hôn. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của trường đạt 89%, đứng top đầu của huyện, học sinh thi đỗ vào trường nội trú tỉnh và huyện đạt tỷ lệ cao…” - thầy giáo Thành nói.

Có thể thấy, ở vùng đất nghèo của tỉnh, chỉ có “mưa dầm thấm lâu” mới thay đổi được nhận thức của người dân về sự học. Ông Lồ Seo Lử, Trưởng thôn Tả Thồ 1, xã Hoàng Thu Phố, có cháu theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 bày tỏ: Thấy các cháu đi học hiểu biết thêm và trưởng thành lên, tôi rất vui. Đó là nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của các thầy, cô giáo. Là trưởng thôn, tôi thường xuyên vận động người dân cố gắng lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để có điều kiện chăm lo cho con em học tập, góp phần thay đổi cuộc sống.

Em Sùng Thị Minh Bích, lớp 8A1, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hoàng Thu Phố tâm sự: Đi học, em vui lắm vì có thêm nhiều kiến thức, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô.

Từ một người nhút nhát, ít nói, nay Bích mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tham gia nhiều hoạt động của trường, tích cực học tập, nhiều năm liền đạt học sinh khá, giỏi.

6.jpg

Với 4 trường, 1.095 học sinh, những năm học gần đây, giáo dục của Hoàng Thu Phố có sự chuyển biến tích cực. Nhiều học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; tỷ lệ học sinh học hết THCS học lên THPT và học nghề đạt trên 85%. Năm 2023, trường có 2 học sinh thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh; 9 học sinh đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà. Đặc biệt, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Hoàng Thu Phố và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Hoàng Thu Phố mới được đầu tư xây dựng, với kinh phí hơn 23 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

3.jpg

Sự nghiệp “trồng người” nơi vùng khó không còn gian nan, vất vả như những năm trước, mà đã bước sang trang mới, với diện mạo mới. Trường học giờ đây là ngôi nhà thứ hai của học sinh. Trên khắp rẻo cao này, những ngôi trường khang trang, sạch đẹp đang là cánh cửa để con em đồng bào dân tộc thiểu số đến với con chữ - ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố khẳng định.

Chiều muộn, chia tay thầy và trò ở Hoàng Thu Phố, hình ảnh những cô cậu học trò hân hoan trở về nhà trên đường bê tông rộng thênh thang dấy lên trong tôi niềm tin tưởng rằng “sự học” ở mảnh đất này sẽ ngày càng “đơm hoa kết trái”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

fbytzltw