Từ Quốc lộ 4D, chúng tôi ngược dốc qua xã Lùng Vai, xã Bản Sen chừng hơn 10 km lên La Pan Tẩn. Đường đi uốn lượn trên những triền núi, bám ven những nương ngô, nương chè xanh mướt mát. Càng lên cao, làn sương xuân giăng mắc trên những đỉnh núi đá lô nhô khiến không gian càng trở nên mờ ảo. Qua dốc cổng trời, nhô vào đất La Pan Tẩn, chúng tôi bắt đầu thấy những bản người Mông hiện ra dưới rừng đào cổ đang nhú nụ hoa phớt đón nắng xuân, khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Nhờ mấy đứa trẻ đang chơi đánh quay chỉ đường, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hoàng Chiếu ở thôn La Pan Tẩn. Dọc đường đi, thi thoảng lại gặp những tốp trai gái người Mông diện áo váy thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đeo vòng bạc trắng tản bộ du xuân. Đón chúng tôi trước nhà, cụ Chiếu mời vào uống trà bên bếp lửa cho ấm áp.
Nhâm nhi chén trà, cụ Chiếu kể: La Pan Tẩn tiếng địa phương nghĩa là “ghế tựa đá”. Theo những người lớn tuổi ở La Pan Tẩn kể lại, thủa xưa, khi tuyến đường bộ từ trung tâm Lão Nhai, Bảo Thắng quan lên vùng biên viễn Bắc Hà, Si Ma Cai chưa hình thành, người dân vẫn thường đi lại bằng đường mòn theo triền sông Chảy qua Tả Gia Khâu, qua Lùng Khấu Nhin, ngược lên La Pan Tẩn, sau đó xuôi xuống Lùng Vai rồi ra Bản Phiệt về Cốc Lếu… Để đi qua đỉnh La Pan Tẩn phải đi qua dốc cổng trời - nơi có một chiếc ghế đá lớn đặt ngay cạnh đường. Bất cứ ai khi có việc lên hoặc xuống núi để đi chợ đều phải đi qua cổng trời rồi dừng lại ngồi nghỉ ở chiếc ghế đá này lấy sức mà đi tiếp. Không những vậy, vào những ngày trời quang, từ vị trí của chiếc ghế đá này có thể nhìn thấy thung lũng Nàn Sín của huyện Si Ma Cai, thấy núi Cô Tiên bên Bắc Hà và thấy trung tâm thành phố Lào Cai. Với vị trí đắc địa như vậy, chiếc ghế đá trên đỉnh Sà San còn được ví như “ngai vàng” của một vị vua trị vì vùng đất Lão Nhai xưa.
Chia tay cụ Chiếu, chúng tôi tìm đến nhà ông Sùng Hòa Chư ở thôn Bãi Bằng, nguyên cán bộ UBND xã La Pan Tẩn. Khi tôi gợi chuyện về sự đổi thay của vùng “đất thép” trên đỉnh núi Sà San, ánh mắt ông Chư sáng lên niềm tự hào. Ông bảo: Theo lời kể của các cụ cao niên, khi người Pháp đưa quân chiếm Lao Kay, họ đã đến La Pan Tẩn. Thấy nơi đây khí hậu mát lạnh tương đồng với bên châu Âu, phong cảnh núi non cũng rất đẹp nên đã định chọn nơi đây là điểm nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm nguồn nước và tìm vị trí để xây dựng thủy điện không được, họ đành rút đi, chỉ để lại một tốp xây đồn giữ đất. Sau đó, khi đến Sa Pa, họ đã chọn nơi đó để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho quan, quân viễn chinh Pháp.
“…Hồi đó mà người Pháp chọn La Pan Tẩn để xây dựng khu nghỉ dưỡng thì bây giờ có thể vùng đất này đã khác rất nhiều rồi, nhà báo nhỉ!...”, ông Chư nói vui.
Nhấp ngụm trà, ông Chư chùng giọng kể tiếp: khi giặc Pháp đến đây, chúng đàn áp, bóc lột Nhân dân địa phương đến tận xương tủy và đã gây biết bao khổ đau nên người dân căm thù lắm. Vì thế, chính tại mảnh đất này, vào khoảng năm 1947 - 1948, những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã nổ ra. Xã thành lập 1 tiểu đội du kích do đồng chí Vàng Tính làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội đã anh dũng, kiên cường chống Pháp và tay sai để bảo vệ Nhân dân. Người Mông La Pan Tẩn khi được giác ngộ đã tự nguyện nuôi giấu cán bộ Việt Minh và hăng hái tham gia đội du kích để đánh Pháp. Giờ những người già trong xã vẫn kể cho con cháu nghe chuyện về liệt sĩ Thào Sẩu - người dân tộc Mông (ở thôn Sín Chải) làm liên lạc cho cán bộ Việt Minh. Ông bị quân Pháp phục kích bắt và tra tấn dã man nhưng quyết không khai báo cán bộ cách mạng. Câu nói: “Không bao giờ làm con dao 2 lưỡi” của liệt sĩ Thào Sẩu trước lúc bị giặc Pháp giết đã thể hiện tấm lòng kiên trung của ông đối với cách mạng. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Nhân dân La Pan Tẩn, đầu năm 1950, người Pháp đã phải bỏ đồn, rút chạy.
Đưa chúng tôi đến thăm Nhà bia tưởng niệm những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc được chính quyền và Nhân dân xây dựng tại trung tâm xã, đồng chí Vàng Hồ Lử, Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Nhà bia được xây dựng để các thế hệ con cháu thấy được truyền thống vẻ vang của cha anh cũng như của quê hương La Pan Tẩn, để đồng bào nơi đây thêm tự hào về vùng đất cách mạng năm xưa.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, La Pan Tẩn có 9 thôn, 648 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu, 99% là người Mông và vẫn là 1 trong 10 xã nghèo nhất tỉnh. Nơi đây có địa hình đồi núi hiểm trở, việc phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế nông - lâm nghiệp vì thế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vàng Hồ Lử cho biết, từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng đã hoàn chỉnh hơn: Hầu hết đường giao thông nông thôn đã được rải đá cấp phối và đổ bê tông; trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã được xây khang trang; hệ thống điện lưới quốc gia được kéo đến từng thôn. Cùng với đó là hệ thống cấp nước sinh hoạt được xây dựng nên đa số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến nay, xã đã đạt 5 tiêu chí nông thôn mới…
Qua lời kể của Phó Bí thư Đảng ủy xã, những năm gần đây, người dân vùng đất nghèo này phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, như trồng 310 ha, 173 ha chè, 73 ha chuyên canh lúa Séng cù, 2.410 ha cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Song song với đó, người dân nơi đây duy trì đàn gia súc hơn 3.500 con… Ngoài phát triển kinh tế từ tiềm năng đất đai ở địa phương, 420 người con của xã đã đi làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, 6 người đi lao động tại Hàn Quốc. Với nguồn lực này, thu nhập của các hộ từng bước được nâng lên.
Nói về định hướng phát triển kinh tế, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vàng Hồ Lử hào hứng: Thời gian tới, để khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, La Pan Tẩn xác định nông nghiệp hàng hóa vẫn là “chìa khóa”. Vì vậy, xã tiếp tục lựa chọn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó là liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để bao tiêu, chế biến nông sản cho bà con; chú trọng đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động…
Trở lại vùng đất thép La Pan Tẩn vào mùa xuân mới, thấy được sự đổi thay và nghe những câu chuyện về khát vọng của người dân nơi đây, tuy còn lắm gian nan, thử thách nhưng với tiềm năng riêng có và đặc biệt là sức mạnh của địa phương đó là lòng dân đồng thuận, tin rằng những mơ ước của người dân vùng đất này sẽ sớm thành hiện thực. Những điều đó sẽ không còn xa khi những tuyến giao thông kết nối với các xã lân cận được hoàn thiện và Tỉnh lộ 154 nối La Pan Tẩn với Quốc lộ 70 dự kiến thông tuyến trong năm 2024 sẽ phá thế “ngõ cụt”, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư. Xứ “mây ấp núi” sẽ sáng tươi trong nắng xuân.