Trong không khí làm việc khẩn trương, các đại biểu đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về nhiều vấn đề của khu vực, trong đó nổi lên là rà soát toàn diện phương thức triển khai kết quả các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tháng 7/2023, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các vấn đề khác về hợp tác cũng như tình hình khu vực và quốc tế.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 sẽ được tổ chức tại Jakarta, Indonesia từ ngày 4-7/9/2023.
Dự kiến, Lãnh đạo ASEAN và các đối tác sẽ có khoảng 20 hoạt động trong các khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Nội dung các hội nghị sẽ là tăng cường đối thoại, hợp tác mọi mặt trong khu vực, đặc biệt là về chuyển đổi các nền kinh tế sang kinh tế số, kinh tế biển xanh, hợp tác biển…
Các nước đều nhấn mạnh cam kết sẽ triển khai hiệu quả các ưu tiên của ASEAN 2023, làm nền móng cho các phát triển trong hợp tác tới đây.
Các đại biểu chia sẻ tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, coi đây là nền tảng trong quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực. Bên cạnh đó, các nước cũng nhất trí môi trường hòa bình và ổn định là tiền đề cho phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm. Trên cơ sở đó, các nước nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời với thúc đẩy các tiến trình đối thoại về hòa bình, ổn định như Hiệp ước Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), đàm phán bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…
Các nước ASEAN khẳng định quan điểm của mình về các vấn đề khu vực. ASEAN đặc biệt nhấn mạnh thiện chí và trách nhiệm của các đối tác cùng chia sẻ, gánh vác những khó khăn do các thách thức mới nảy sinh tác động đến khu vực. ASEAN cũng nhấn mạnh thêm về văn hóa đối thoại, tinh thần thượng tôn pháp luật và quyết tâm xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế với ASEAN ở vị trí trung tâm.
Các nước tái khẳng định quan điểm của mình về các vấn đề quốc tế và khu vực, nhấn mạnh ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar, đối thoại về Biển Đông, nhất là tiến trình xây dựng COC hiệu quả và thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
* Tại Diễn đàn AMF và Diễn đàn AOIP, các nước khẳng định tầm quan trọng của hợp tác biển. Các nước cùng chung nhận định, Đông Nam Á vừa có vị trí địa chiến lược, cũng là trung tâm của nhiều nội dung đa dạng. Bởi vậy, các hoạt động liên quan tới biển trong khu vực này mang nhiều ý nghĩa, hàm chứa cả thách thức lẫn cơ hội. Trên cơ sở đó, các nước nhất trí duy trì cách tiếp cận tổng thể và toàn diện với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hợp tác chuyên ngành để bảo đảm ứng phó kịp thời và hiệu quả, vừa thúc đẩy ổn định, vừa tăng cường hợp tác biển.
Nhân dịp này, các nước trao đổi về các chiến lược, biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế biển xanh, đa số lên tiếng ủng hộ triển khai cụ thể và hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất trí nghiên cứu, khai thác các cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai.
* Phát biểu tại các hội nghị, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Vũ Hồ khẳng định Việt Nam sẽ tham gia hợp tác ASEAN một cách tích cực hơn, chủ động hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn. Trước mắt, sẽ phối hợp với các nước đóng góp cho thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan, qua đó thúc đẩy hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác ngày càng sâu sắc, thực chất.
Chia sẻ về các ưu tiên của ASEAN trong năm 2023, Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh ý nghĩa của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đại sứ khẳng định cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo trong phương thức và nội dung, vừa củng cố quan hệ giữa các nước, vừa xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định. Đại sứ nhất trí cần tận dụng các cơ hội hợp tác từ xu hướng phát triển xanh, sạch, bền vững trong các lĩnh vực tiềm năng, như kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…vì phát triển bền vững và bao trùm.
Trưởng SOM Vũ Hồ cũng nhấn mạnh để hiện thực hóa mục tiêu ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng, môi trường hòa bình, an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết, là cơ sở vững chắc cho hợp tác và phát triển bền vững.
Trong thế giới bất định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Đại sứ nhấn mạnh các nước cần có tâm thế sẵn sàng đón nhận và thích ứng với mọi biến động, điều quan trọng là cần củng cố và phát huy văn hóa đối thoại và hợp tác thiện chí, ứng xử trách nhiệm, minh bạch để thu hẹp khác biệt, gia tăng hiểu biết và tin cậy, cùng hành động vì lợi ích chung.
Trong trao đổi, Đại sứ Vũ Hồ đã nêu một số nguyên tắc căn bản trong hợp tác biển ở khu vực. Đó là trách nhiệm (Responsible), thích ứng (Responsive) và kiềm chế (Restraint); cụ thể là trách nhiệm trong hợp tác, thích ứng trước thách thức và kiềm chế trong hành xử.
Nhân đây, Đại sứ tái khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông và đề cao nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện tuyên bố DOC, xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
*Nhân dịp này, ngày 4/8, ASEAN và đối tác đã tổ chức Hội thảo EAS về phát triển kinh tế biển tại các nước ven bờ, trao đổi về tiềm năng kinh tế biển, phương thức phát triển kinh tế biển, chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường đối với kinh tế biển, hỗ trợ sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư ven biển.
_________
(1) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
(2) gồm ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand