Cựu Đại tá Phùng Anh Lê - cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội - bị đề nghị truy tố với cáo buộc chủ mưu vụ tha trái pháp luật người đang bị tạm giữ.
Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, theo quy định tại khoản 1 Điều 378 Bộ luật hình sự.
Bốn bị can bị đề nghị truy tố gồm: Phùng Anh Lê - cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội; Nguyễn Đức Châu - cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Tây Hồ; Vũ Công Ngọc - cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ; Lê Đình Trung - cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ.
Ông Phùng Anh Lê (Ảnh: CTV). |
Theo kết luận, ngày 19/6/2016, anh Nguyễn Công T. đến Công an phường Yên Phụ (Tây Hồ) tố giác việc bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Sự việc được cán bộ ghi lại vào sổ trực ban và báo cáo ông Dương Hồng Kết, Trưởng Công an phường.
Ông Kết gọi điện báo cáo Trưởng Công an quận Tây Hồ lúc đó là ông Phùng Anh Lê và Phó Trưởng Công an quận Phạm Quý Hải về vụ việc có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích. Đội Cảnh sát hình sự sau đó được giao nhiệm vụ xác minh vụ việc.
Qua truy xét, Đội Cảnh sát hình sự xác định, đối tượng Nguyễn Hữu Tài cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội. Ba ngày sau, Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú.
Sau khi xác minh, điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội nên đề xuất tạm giữ để điều tra và bắt các nghi phạm liên quan. Bị can Vũ Công Ngọc (thời điểm đó là Đội phó Đội Cảnh sát hình sự) đồng ý với đề xuất và gọi điện báo cáo Đội trưởng Nguyễn Đức Châu rồi mang hồ sơ đến nhà riêng của ông Phạm Quý Hải để báo cáo.
Ông Hải đã ký duyệt đề xuất và ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đối tượng bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ.
Người nhà của Tài nhờ người quen kết nối nhờ ông Lê giúp đỡ và được đồng ý. Bị can Lê sau đó được xác định đã thông báo gia đình Tài cần chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.
Ngày 22/9, sau khi nhận tiền, ông Lê gọi điện thoại cho thuộc cấp yêu cầu mang tài liệu xuống xem xét. Khoảng 23h cùng ngày, sau khi đọc hồ sơ do bị can Ngọc mang đến phòng làm việc báo cáo, ông Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu.
Ngược lại, Ngọc cho rằng việc tạm giữ Tài là có căn cứ để mở rộng điều tra vụ án. Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý và chỉ đạo phải đưa nghi phạm ra khỏi nhà tạm giữ và cho viết cam kết để tránh tự sát.
Bị can Ngọc lúc đó cho rằng, Tài đang thi hành quyết định tạm giữ nên muốn cho về phải có quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc quyết định trả tự do. Tuy nhiên, ông Lê vẫn chỉ đạo Ngọc tiếp tục thực hiện.
Khoảng 0h30 ngày 23/9, Ngọc cùng một số cán bộ Đội Cảnh sát hình sự đến đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ. Vì không có quyết định hủy bỏ tạm giữ, bị can Ngọc bị ông Lê Đình Trung, người phụ trách ca trực hôm đó, phản đối.
Ngọc gọi điện cho ông Lê để Trung trao đổi. Sau khi nói chuyện với ông Lê, Trung đề xuất với Ngọc cần trao đổi thêm với Phó Trưởng Công an quận phụ trách lĩnh vực hỗ trợ tư pháp và cấp trên của Trung. Sau nhiều cuộc điện thoại báo cáo, các bị can đã để nghi phạm Tài ra về.