Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã chú trọng hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em phát triển sự tự tin, tích cực, chủ động trong giao tiếp, tự lập, tự giác trong sinh hoạt hằng ngày.
5 giờ, trong các căn phòng của khu trẻ em được trang bị đầy đủ giường, tủ, đệm, điều hòa vang lên tiếng gọi nhau của các bạn nhỏ. Sau khi thức dậy, vệ sinh cá nhân, tập thể dục và ăn sáng, Thào Thị Dâu và các bạn xuống thư viện đọc sách.
Dâu tâm sự: "Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vào trung tâm đã được 8 năm, khi ấy em mới học lớp 4. Trẻ vùng cao ở độ tuổi đó đều biết lao động giúp bố mẹ nhưng những kỹ năng sống khác như sinh hoạt cá nhân, tự bảo vệ bản thân còn vụng về. Tại đây, em thường xuyên được các “mẹ” chỉ bảo, dạy dỗ nên đã tự lập làm được mọi việc".
3 anh em Thào Thính Pao đều vào trung tâm ở sau khi cả bố và mẹ bị đi tù. Mặc dù là con trai nhưng Pao rất tháo vát. Ngoài tự lo cho bản thân, Pao còn giúp anh và em trai, hỗ trợ các “mẹ” nấu bếp, trồng rau, nuôi gà… Pao bảo: "Tại trung tâm, em được hướng dẫn làm một số công việc nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi. Em vui vì đã góp phần phụ giúp các "mẹ" trong trung tâm".
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lò Thị Liên, Trưởng Phòng Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và người cao tuổi, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Những đứa trẻ vào đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, số phận, tâm sinh lý lứa tuổi và điểm xuất phát khác nhau. Chính vì vậy việc trang bị các kỹ năng sống rất quan trọng, như kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng bơi lội, kỹ năng tự vệ,... giúp các con dễ dàng thích nghi, chủ động và an toàn trong mọi hoàn cảnh, tình huống của cuộc sống. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống được diễn ra hằng ngày tại trung tâm, tạo thành thói quen sinh hoạt nền nếp cho các con.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, như Công an tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên... tổ chức các hoạt động tuyên truyền về quyền trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống đuối nước...
Đặc biệt trong dịp hè, trung tâm còn tổ chức sinh hoạt hè cho các em. Ngoài việc được dạy hát, múa, các em được các anh chị đoàn viên, thanh niên phổ biến kiến thức pháp luật, những hiểu biết về tuổi dậy thì; kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và các địa chỉ hỗ trợ trẻ em khi gặp khó khăn, từ đó trẻ có kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ đối với sức khỏe, tính mạng, nhận biết thế mạnh của bản thân nhằm nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề gặp phải.
Nhờ được tham gia các hoạt động tập thể, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã dần thay đổi theo hướng tích cực. Đơn cử như trường hợp em Sùng Thị Phương. Do sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại không nhận được sự quan tâm chăm sóc của người thân, họ hàng nên khi mới về trung tâm, Phương nhút nhát, tự ti và ngại giao tiếp. Hiện Phương đã tích cực hơn, hoà nhập với anh chị và thầy cô. Sùng Thị Phương cho biết: Tại đây, con không chỉ được rèn luyện về giờ giấc ăn, ngủ khoa học, đảm bảo sức khỏe, mà còn được tham gia các chương trình giao lưu bổ ích giúp hình thành các kỹ năng mềm để có thể tự lập hơn trong cuộc sống.
Bà Trần Thị Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 48 trẻ em. Ngoài chú trọng trang bị kỹ năng sống, giáo dục giới tính, kỹ năng tự vệ, chống xâm hại, trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, các trò chơi dân gian… đồng thời thường xuyên vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho trẻ.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các em, tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần. Trung tâm sẽ luôn là ngôi nhà chung, giúp các em có thêm nghị lực để bước tiếp những chặng đường còn nhiều gian nan ở phía trước”, bà Hương cho biết.