Giáo dân Nguyễn Văn Trọng ở thôn Chính Tiến, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) là một trong những người tiên phong hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Gia đình ông Trọng đã hiến gần 2.000 m2 đất ruộng và ao để có mặt bằng thi công tuyến đường bê tông. Gia đình ông còn đóng góp hơn 20 ngày công để thu dọn cây cối, hàng rào và gần 3 triệu đồng làm đường liên thôn. Tổng giá trị mà gia đình giáo dân Nguyễn Văn Trọng đã đóng góp cho địa phương khoảng 100 triệu đồng.
Giáo dân Nguyễn Văn Trọng bộc bạch: Nhà xây có đẹp đến mấy mà đường đi lại chật hẹp, lầy lội thì cũng không có ý nghĩa. Vì thế, khi xã có chủ trương làm đường bê tông, gia đình tôi ủng hộ ngay.
Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn Chính Tiến được người dân nói chung và giáo dân nói riêng hưởng ứng nhiệt tình. Từ khi phát động cho đến nay, người dân thôn Chính Tiến đã đóng góp gần 1,1 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, trong đó nhiều gia đình giáo dân đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và tài sản trên đất.
Đến nay, 100% đường nội thôn đã được đổ bê tông kiên cố với chiều dài hơn 10,5 km (đây cũng là tuyến đường bê tông liên thôn dài nhất của xã Gia Phú). Ông Đỗ Văn Đĩnh, Trưởng thôn Chính Tiến bày tỏ: Điều đặc biệt ở xã Gia Phú là người dân các thôn đóng góp tiền quay vòng để xây dựng nông thôn mới. Người dân thôn Chính Tiến đã đóng góp gần 10 năm nhưng nay mới được hưởng thành quả là tuyến đường bê tông như hiện tại. Điều đáng tự hào là người dân Chính Tiến luôn vui vẻ đóng góp tiền của, công sức cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân trong thôn, năm 2023, thôn Chính Tiến được công nhận là thôn kiểu mẫu.
Còn tại xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng), gia đình giáo dân Đặng Văn Sưởng là một trong những hộ kinh doanh tiêu biểu xã. Đặc biệt, trong năm 2022, gia đình ông Sưởng đã ủng hộ làm mái tôn Trạm Y tế xã Phong Niên với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, trong các hoạt động văn hóa - thể thao và công tác giáo dục trên địa bàn xã, gia đình ông Sưởng đã ủng hộ hơn 25 triệu đồng.
Tương tự, trong hành trình “về đích” nông thôn mới của xã Lùng Vai (huyện Mường Khương), sự đóng góp của bà con giáo dân được cấp ủy đảng, chính quyền xã đánh giá cao.
Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho biết: Với mối quan hệ lương - giáo hài hòa, đoàn kết, bà con giáo dân trong xã đã hưởng ứng tích cực nhiều hoạt động, như phát triển sản xuất, giảm nghèo; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường; tham gia gìn giữ an ninh, trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội... Trong mỗi hoạt động đều có những cá nhân, gia đình tiêu biểu, như gia đình giáo dân Nguyễn Văn Hài, ở thôn Giáp Cư với cửa hàng kinh doanh làm nhôm kính, đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của xã; gia đình giáo dân Lê Văn Nam, giáo dân Trần Đức Vinh tích cực hiến đất làm đường…
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh, Lào Cai hiện có 17 linh mục, 136 chức việc và hơn 9.000 tín đồ công giáo, sinh hoạt ở 2 giáo xứ, 20 giáo họ, 12 nhà thờ, nhà nguyện. Hằng năm, đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh tổ chức đón nhiều ngày lễ lớn như Noel, đón xuân, năm mới và lễ Phục sinh. Các nhà thờ, nhà nguyện trong tỉnh được sửa chữa, nâng cấp, vừa đáp ứng nhu cầu nghi lễ tôn giáo, vừa là công trình kiến trúc góp phần làm đẹp diện mạo của địa phương.
Đồng bào công giáo ở Lào Cai phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước cũng như của địa phương. Giáo dân Lào Cai chung tay xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, đồng lòng theo Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đời sống của người dân công giáo trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Cùng với phát triển kinh tế, các giáo xứ, họ đạo trong tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua, như chung tay xây dựng nông thôn mới, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… Toàn tỉnh hiện có hơn 85% gia đình công giáo được công nhận là gia đình văn hóa.
Ông Vũ Trọng Khuynh, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Lào Cai đánh giá: Trong thời gian qua, tình hình sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định, các tổ chức tôn giáo chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, người dân, giáo dân trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng, đồng thuận cao, góp phần mang lại nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.