Giống lúa Séng cù được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa về cấy thử nghiệm ở xã Mường Vi năm 2004, lúa cho năng suất, chất lượng cao, trở thành hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập. Vì vậy bà con chủ động chuyển diện tích cấy các giống lúa kém hiệu quả sang cấy lúa Séng cù. Hiện 90% diện tích của xã được cấy lúa Séng cù và mỗi năm cho sản lượng hơn 2.200 tấn, giá bán dao động từ 14 - 19 nghìn đồng/kg thóc, mang lại nguồn thu hơn 31 tỷ đồng.
Là hộ đầu tiên cấy lúa Séng cù theo hướng hàng hóa, bà Đỗ Thị Lộc, thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi cho biết: Sản xuất lúa thường chủ yếu “lấy công làm lãi”, nhưng với lúa Séng cù thì khác. Mỗi vụ gia đình gieo cấy 30 kg lúa giống (khoảng 3.600 m2). Nếu chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh tốt, thời tiết thuận lợi, sản lượng đạt 3 tạ/sào đối với vụ chiêm, 2 tạ/sào đối với vụ mùa. Mỗi năm, gia đình thu hơn 70 triệu đồng từ cấy lúa Séng cù, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.
Tại huyện Mường Khương, việc mở rộng diện tích lúa Séng cù được chú trọng từ nhiều năm nay. Toàn huyện có 500 ha lúa Séng cù tại các xã: Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin... Năng suất trung bình 6 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 3.000 tấn/năm, mang lại nguồn thu gần 50 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện cũng rà soát để giảm diện tích cấy lúa kém hiệu quả, chuyển sang canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, huyện chủ trương phát triển diện tích lúa Séng cù, giảm diện tích cấy lúa thường, chú trọng khâu chăm sóc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị.
Đối với huyện Bắc Hà, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương thực hiện thu hẹp diện tích cấy lúa thường, mở rộng diện tích trồng lúa đặc sản. Cụ thể là đến nay bà con gieo cấy khoảng 100 ha lúa khẩu nậm xít, khẩu mẹo và hơn 200 ha lúa nếp phục vụ chế biến cốm, khẩu rang. Đồng thời chuyển đổi 10 ha (năm 2023) đất cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Việc phát triển các dòng lúa đặc sản, đặc biệt cấy lúa nếp gắn với chế biến cốm, khẩu rang giúp giá trị sản xuất lúa được nâng lên. Việc giảm diện tích cấy lúa thường, mở rộng diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao sẽ là hướng đi được huyện chú trọng trong giai đoạn tới. Mặc dù diện tích cấy lúa giảm nhưng giá trị sản xuất của người dân vẫn tăng.
Năm 2023, toàn tỉnh chuyển đổi 313 ha cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm và cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản… Do vậy, dù diện tích lúa giảm nhưng lại giúp tăng thu nhập cho người dân.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, việc giảm diện tích lúa kém hiệu quả là phù hợp với chiến lược phát triển ngành trồng trọt; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác, tạo thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao.