Chưa thống nhất được phương án đền bù
Nhìn “bờ xôi ruộng mật” đã nuôi sống người dân hàng chục năm nay, ông Lê Duy Hùng, Trưởng thôn Hàm Rồng, xã Việt Tiến (Bảo Yên) không khỏi lo lắng, bởi nay mai tất cả sẽ chìm trong biển nước.
Ông Hùng cho biết: Năm 2021, đại diện chủ đầu tư Dự án Thủy điện Tân Lĩnh đã tổ chức họp dân thông báo sơ qua về vị trí đầu tư đập thủy điện, phạm vi dâng nước lòng hồ, sau đó đi kiểm đếm đất ruộng, hoa màu trong khu vực sẽ ngập nước khi thủy điện đi vào hoạt động để lên phương án đền bù.
Đến nay, dù đã họp dân đến lần thứ tư nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thống nhất được phương án. Hiện dự án đã được khởi công và đang thi công rầm rộ.
Người dân biết là không thể dừng dự án lại được, nhưng việc đền bù ruộng lúa, hoa màu bị mất do ảnh hưởng của thủy điện thì phải làm sao cho thỏa đáng.
Theo thống kê, ban đầu khoảng 9,4 ha lúa 2 vụ của 64 hộ ở thôn Hàm Rồng và thôn Già Hạ mất trắng. Bài học rút ra khi một số thủy điện sau khi vận hành phát sinh những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng khiến người dân thôn Hàm Rồng phải cảnh giác hơn với cách làm của chủ đầu tư thủy điện, bởi họ cho rằng, khi thủy điện chưa đi vào vận hành thì chủ đầu tư còn lên làm việc, chứ đợi đâu vào đấy rồi thì khó mà tìm được.
Người dân trong thôn cũng thấy khó hiểu bởi mỗi lúc lại thấy bộ phận khảo sát của thủy điện cắm mốc giải phóng mặt bằng ở một vị trí khác nhau. “Không biết ít nữa dâng nước thì vị trí ngập lụt thực tế là thế nào”, ông Hùng lo lắng.
Về mức giá bồi thường, ông Hùng phàn nàn mỗi lần họp dân thấy người dân phản ứng thì cán bộ kiểm đếm của thủy điện lại quay về xin ý kiến cấp trên rồi lại quay lại đưa ra một phương án khác, rất mất thời gian.
UBND xã đã nhiều lần chủ trì để doanh nghiệp và người dân đối thoại tìm phương án bồi thường phù hợp, vướng mắc lớn nhất là người dân cho rằng mức giá bồi thường mà doanh nghiệp đưa ra thấp.
Thôn Hàm Rồng là nơi sinh sống của hầu hết các hộ cách đây 60 năm di dân từ huyện Yên Bình - Yên Bái để phục vụ thi công thủy điện Thác Bà. Họ không thể ngờ đã qua nửa đời người, nay thủy điện lại tiếp tục đeo bám cuộc sống của họ, nhưng lần này sẽ thật khó có cơ hội gây dựng lại cuộc sống mới.
Ông Đoàn Văn Hòa, người dân thôn Hàm Rồng cho biết: Doanh nghiệp đầu tư dự án lớn trên địa bàn, người dân rất mừng vì sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, phải có phương án bồi thường lúa, hoa màu bị ngập lụt hợp lý.
Gia đình ông Hòa có 6 sào lúa 2 vụ bị ngập nước, ông cũng lo lắng nay mai mất diện tích đất sản xuất này thì không biết trông cậy vào đâu. Tuy không thể giúp ông làm giàu nhưng chừng ấy đất lúa đã nuôi sống gia đình hàng chục năm qua. Ông cũng mong doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tìm hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân mất đất sản xuất.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Mão, thôn Hàm Rồng tỏ ra bức xúc khi chưa có sự đồng thuận của người dân nhưng dự án thủy điện đã thi công rầm rộ. Ông Mão cho biết: Gia đình mất 4 sào lúa, nay mai chưa biết bấu víu vào đâu. Thanh niên còn đi xa tìm việc làm được chứ người già như tôi ngoài bám vào rừng, vào ruộng thì chẳng có chỗ nào nhận làm thuê.
Ông Hoàng Hồng Cờ, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết: UBND xã đã nhiều lần chủ trì để doanh nghiệp và người dân đối thoại tìm phương án bồi thường phù hợp, vướng mắc lớn nhất là người dân cho rằng mức giá bồi thường mà doanh nghiệp đưa ra thấp.
Cần hài hòa lợi ích
Dự án Thủy điện Tân Lĩnh được xây dựng trên sông Chảy, cách Thủy điện Phúc Long khoảng 20 km về phía hạ lưu, nằm ở địa phận giáp ranh giữa 2 xã Việt Tiến (Bảo Yên) và xã Minh Chuẩn (Lục Yên, Yên Bái), tổng công suất lắp máy là 22 MW, gồm 2 tổ máy. Chủ dự án là Công ty Cổ phần Kinh doanh xi măng miền Bắc.
Dự án khởi công tháng 9/2022 và dự kiến phát điện vào cuối năm 2024. Phạm vi lòng hồ thủy điện ảnh hưởng đến các xã: Tô Mậu, Minh Chuẩn, An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) và các xã Việt Tiến, Phúc Khánh (Bảo Yên).
Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành thống kê và chi trả kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cho hầu hết người dân trong diện ảnh hưởng của các xã trong phạm vi lòng hồ, chỉ có các hộ ở xã Việt Tiến (Bảo Yên) là chưa đồng thuận.
Ông Nguyễn Hoàng Thạch, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh xi măng Miền Bắc, đại diện chủ đầu tư khẳng định: Doanh nghiệp rất cầu thị, mong muốn phối hợp với chính quyền và người dân địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Mức giá đền bù giải phóng mặt mà doanh nghiệp đưa ra để thỏa thuận với người dân đã được tính toán dựa trên quy định của Luật Đất đai và các quy định của địa phương cũng như thu nhập của người dân trên diện tích lúa thu hoạch hằng năm.
Thậm chí doanh nghiệp cũng đưa ra phương án trả kinh phí bằng khoản tiền quy ra từ thóc mà người dân canh tác trên diện tích lúa nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng. “Nếu tính toán kỹ thì phương án nào người dân cũng được lợi, vì sau khi nhận tiền đền bù, người dân vẫn có thể tận dụng diện tích lòng hồ thủy điện để nuôi thủy sản”, ông Thạch nói.
Doanh nghiệp rất cầu thị, mong muốn phối hợp với chính quyền và người dân địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Giải thích về ý kiến người dân cho rằng doanh nghiệp điều chỉnh mốc giới so với ban đầu, ông Thạch cho biết: Mốc ban đầu được cắm ở cao trình 67 m bao gồm cả hành lang an toàn lòng hồ. Tuy nhiên, cao trình của đập chỉ là 63,7 m, nếu vượt quá, nước thoát qua đập tràn.
Vì vậy, sau khi làm việc với đơn vị tư vấn, đơn vị đã tính toán lại việc cắm mốc để xác định ranh giới lòng hồ phù hợp. Quan điểm của doanh nghiệp là nước ngập đến đâu sẽ đền bù cho người dân đến đó.
Ông Thạch cho rằng, những vướng mắc xung quanh một dự án thủy điện vừa hoàn thành trước đó trên sông Chảy đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân khiến công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này gặp khó khăn ngoài dự kiến.
Trong khi tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận phương án bồi thường cho người dân, chủ đầu tư đã khởi công dự án do lo ngại giấy phép chấp thuận chủ trương đầu tư sắp hết hạn.
Ông Thạch cho biết: Chủ đầu tư cũng lên phương án nếu người dân một mực không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng chúng tôi đã tính đến việc xây dựng hệ thống đê bao ngăn nước từ lòng hồ vào cánh đồng và hệ thống trạm bơm, kênh dẫn nước từ cánh đồng ra lòng hồ để không ảnh hưởng đến diện tích lúa của người dân.
Một dự án quy mô như thủy điện Tân Lĩnh được chấp thuận đầu tư đều phải trải qua quy trình thẩm định nghiêm ngặt từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương. Vì vậy, nếu được sự đồng thuận của người dân sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động bền vững, lâu dài.
Kinh nghiệm giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án lớn trên địa bàn cho thấy, nếu doanh nghiệp thực sự cầu thị và cam kết giải quyết thấu tình, đạt lý kiến nghị của người dân thì sẽ tìm được tiếng nói chung để tháo gỡ nút thắt.