Thôn Piềng Láo có hơn 100 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống. Đặt chân đến Piềng Láo, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những ngôi nhà khang trang với cây cảnh trước nhà như khẳng định cuộc sống đủ đầy nơi đây. Người Dao ở Piềng Láo vốn chăm chỉ lao động, sản xuất, ngoài cấy lúa, trồng ngô, bà con còn chăn nuôi, trong đó nhiều hộ nuôi ngựa sinh sản.
Gia đình ông Lý Văn Sùng, dân tộc Dao là điển hình nuôi ngựa giỏi, ông cho biết: Gia đình tôi nuôi ngựa từ năm 1994 với mục đích lấy sức kéo và nhân giống thành đàn!
Năm 2020, ông Sùng nhận thấy tiềm năng từ nuôi ngựa sinh sản nên đã quyết định vay vốn đầu tư mở rộng chuồng nuôi, mua thêm ngựa, có thời điểm tổng đàn lên tới 24 con. Ngựa như tài sản tích lũy, khi có việc ông sẽ bán 3 - 4 con lấy tiền lo chi phí. Tính trung bình, mỗi năm gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng từ bán ngựa.
Cũng theo ông Lý Văn Sùng, chăm sóc ngựa sinh sản không phức tạp như trâu, bò. Trâu, bò vào mùa đông hay mắc nhiều loại bệnh như lở mồm, long móng, còn ngựa an toàn hơn. Thức ăn cho ngựa cũng đơn giản, gia đình ông Sùng thường thả ngựa ở những đồi cỏ tự nhiên.
Hoặc gia đình anh Trương Văn Hướng, dân tộc Giáy, thôn Mường Hum mới đây được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Anh Hướng là thanh niên làm kinh tế giỏi, tự mở xưởng sản xuất chè tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hiện là Giám đốc Hợp tác xã chè Hướng Tâm. Hợp tác xã có 12 thành viên, với hơn 12 ha chè. Anh Hướng chịu trách nhiệm tiêu thụ toàn bộ chè búp tươi của các thành viên hợp tác xã với giá ổn định, sau đó chế biến để xuất khẩu. Năm 2022, tổng thu từ chè của gia đình anh đạt 500 triệu đồng, các thành viên hợp tác xã cũng có thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm từ bán chè búp tươi. Hợp tác xã còn tạo việc làm cho 3 - 4 lao động địa phương với tiền công bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Tại xã Mường Hum còn có nhiều tấm gương người dân tộc thiểu số mạnh dạn, sáng tạo trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế, những tấm gương ấy góp phần lan tỏa phong trào học và làm theo Bác ở xã vùng cao này. Từ những người dân tộc thiểu số thi đua, sản xuất - kinh doanh giỏi giúp Mường Hum hình thành vùng sản xuất chè với 117 ha, 3 ha cây dược liệu...
Để việc học và làm theo Bác trở thành phong trào thực chất, có chiều sâu, Đảng ủy xã Mường Hum đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên và người dân; chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể, ban tuyên vận, chi bộ, các tổ tuyên vận đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tập trung tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác được nêu trong hội nghị tuyên vận và trong nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng hoặc tại các buổi họp thôn, tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, tuyên truyền qua hệ thống trực quan…
Việc ghi danh các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2021 đến nay, Mường Hum có 3 tập thể, 15 cá nhân được ghi danh, trong đó chủ yếu cá nhân là người dân tộc thiểu số.
Đồng chí Tẩn Láo San, Bí thư Đảng ủy xã Mường Hum cho biết: Những tấm gương người dân tộc thiểu số tích cực học Bác, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương là ví dụ điển hình về sức lan tỏa trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục sử dụng các hình thức tuyên truyền, chú trọng nêu gương để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa ngày càng lớn.