Từ lâu, sáp ong có rất nhiều tác dụng như làm đẹp da, làm son chống nẻ, làm nước hoa khô, ngoài ra sáp ong còn được dùng để làm nến thơm. Nến tự nhiên Cát Cát (

Cuối tuần, chúng tôi đến thăm nhóm sản xuất nến tự nhiên của chị Má Thị Sa, tại thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ. Khi bước chân vào ngôi nhà, cảm giác đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy đó là mùi thơm rất dịu nhẹ, làm mọi người như được thư giãn và tận hưởng bầu không khí được thanh lọc, đó là mùi thơm tỏa ra từ chiếc nồi mà chị Sa đang đun sáp ong trên bếp chuẩn bị công đoạn làm nến. Được biết, tổ làm nến của chị Sa bắt đầu làm từ tháng 11/2012, có 10 anh, chị em, do tổ chức xã hội Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam sáng lập. Họ đã hỗ trợ về nguyên, vật liệu, vốn ban đầu và cử người dạy anh, chị em trong tổ các công đoạn làm nến, giới thiệu, quảng bá và đóng bao bì cho sản phẩm.
Tuy mới thành lập nhưng tổ của chị Sa đã xuất bán ra thị trường rất nhiều sản phẩm nến tự nhiên làm từ sáp ong. Nến tự nhiên được làm từ các nguyên liệu chủ yếu như sáp ong, bấc sợi lanh, tinh dầu đều lấy từ tự nhiên. Sáp ong sau khi được lấy về thì cho vào nồi đun, nóng chảy ở 60 - 70oC để sáp không bị đông quá nhanh. Sợi lanh được các chị se lại thành sợi bấc, sau đó cán dây bấc vào khuôn. Trước khi đổ sáp ong phải hàn bấc vào khuôn bằng keo nến cho chắc, lấy que chẻ đôi để nẹp bấc cho cân, trong lòng khuôn, bôi một chút dầu ăn hay mỡ để không cho nến bám vào, khi nguội, nến co lại dễ lấy ra. Sáp ong sau khi đun, để nguội khoảng 15 phút thì đổ vào khuôn, chờ khoảng 30 phút, khi sáp ong đông vào thì lấy ra, cắt đi đoạn bấc thừa là đã có một cây nến hoàn chỉnh.

Nghề làm nến tự nhiên của người Mông Cát Cát đang dần được phát triển thành sản phẩm địa phương của người dân. Không những thế, còn góp phần làm phong phú ngành nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Pa. Mong rằng, nghề sản xuất nến tự nhiên từ sáp ong sẽ được quan tâm đầu tư, được quảng bá, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho bà con dân tộc Mông nơi đây.