Tuyến đường mòn dẫn lên đồi chè thôn Lùng Vai (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương) mỗi lúc thêm dốc. Khi đến lưng chừng đồi, tiếng máy nổ giòn, vài bóng người theo sau vun gọn những cành đã được cắt, tỉa. Không ai nói câu gì, mỗi người một việc, cặm cụi theo sau máy cắt từ đầu đến cuối hàng chè. Khi thấy cắt, tỉa cành đã được tương đối, anh Nông Văn Dền, thôn Lùng Vai mới buông máy. Lúc này, chúng tôi mới có cơ hội trao đổi với anh.
Dù đang là mùa đông, nhưng lưng áo anh Dền đẫm mồ hôi. “Công việc này nguy hiểm lắm, không cẩn thận là trả giá bằng mạng sống của chính mình”, anh Dền bắt đầu câu chuyện.
Đã có thâm niên trong nghề cắt, tỉa chè nên anh Dền quá hiểu những rủi ro có thể xảy ra. Vụ cắt, tỉa chè năm trước, chỉ sơ sảy mà dẫn đến 1 người chết, 1 người bị cụt chân do lưỡi dao gãy, văng vào cơ thể.
Chỉ tay vào máy cắt, tỉa cành, anh Dền cho biết: Tôi chọn chiếc máy này, lưỡi cắt theo kiểu tông đơ, mặc dù cắt chậm hơn loại máy hoạt động như máy cắt cỏ nhưng rất an toàn. Sử dụng máy cắt cỏ, năng suất cao hơn, nhưng rất nguy hiểm, nếu lưỡi cắt bị rạn, khi gặp cành cứng rất dễ bị gãy và có thể lưỡi dao văng vào người.
Sau vài phút trò chuyện, anh Dền tiếp tục bắt tay vào công việc, bởi cả đồi chè mênh mông phía trước đang chờ đợi. Đôi tay anh thoăn thoắt đưa chiếc máy, lưỡi cắt đi đến đâu, cành chè già đổ xuống tới đó. Càng lúc chúng tôi càng cảm nhận rõ sự khó nhọc, bởi càng lên hàng trên, độ dốc càng lớn, đi tay không đã khó, nói gì đến việc cầm theo suốt chiếc máy nặng 4 kg.
Cách đồi chè của gia đình anh Dền không xa, anh Đỗ Văn Tùng, ở thôn Tảo Giàng đang miệt mài cắt, tỉa cành chè. Thấy chúng tôi lại gần, anh Tùng liền xua tay, bảo hãy tránh xa. Tỉa xong hết hàng chè, anh Tùng tắt máy, rồi lại gần chỗ chúng tôi và nói: Vừa rồi, tôi không cho các anh chị đến gần, bởi nguy hiểm lắm, chẳng may lưỡi cắt bị gãy, văng vào người thì…
Đưa tay chạm vào lưỡi cắt, tôi cảm thấy lạnh người vì độ sắc bén. Vẫn biết là nguy hiểm, nhưng vì diện tích lớn, đòi hỏi phải làm nhanh nên anh Tùng quyết định sử dụng máy cắt, tỉa cành theo dạng máy cắt cỏ. “Trước khi sử dụng, tôi đều kiểm tra thật kỹ, nếu lưỡi cắt có dấu hiệu bị rạn là thay ngay. Đừng tiếc rẻ mà tận dụng, bởi rủi ro rất lớn, thậm chí đã có người phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Hơn nữa, khi cắt, tỉa cành, tuyệt đối không cho ai đến gần”, anh Tùng nói.
Chiếc máy anh Dền sử dụng có trọng lượng 4 kg, còn chiếc máy anh Tùng sử dụng nặng 5 kg. “Do phải cúi nhiều, rồi lia máy sang trái, sang phải luống chè nên hầu như ngày nào cũng bị đau lưng, đau sườn, tối không ngủ được. Thậm chí tay mỏi rã rời, không cầm nổi bát cơm, nghĩ mà cay đắng, nhưng không làm thì vụ xuân lấy đâu búp mà thu hái, trong khi cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào đồi chè”, anh Tùng cho hay.
Đi dọc các đồi chè các thôn Tảo Giàng, Đồng Căm, Cốc Lầy… thời điểm này, tiếng máy cắt, tỉa cành chè rộn vang, người nào người nấy miệt mài với công việc, bởi cuộc sống của cả gia đình họ đều “đặt cược” vào đồi chè. Việc đốn cành, tỉa tán vô cùng quan trọng, nhằm cắt bỏ một phần sinh khối (thân, cành lá), thúc đẩy sinh trưởng dinh dưỡng, hạn chế sinh trưởng sinh thực, tạo cho cây chè có bộ khung tán to, khỏe và chiều cao hợp lý, có nhiều vị trí bật búp, tăng năng suất thu hái búp.
“Mặc dù sản lượng không cao so với chính vụ, nhưng chè xuân lại là lứa chè ngon nhất và được giá nhất trong năm, bởi sau một thời gian được đốn cành, tỉa tán, cây chắt chiu dưỡng chất cho những búp lộc đầu tiên”, anh Tùng tâm sự.
Lùng Vai được ví như “thủ phủ” chè của huyện Mường Khương, với 940 ha chè kinh doanh. Toàn bộ diện tích chè trải dài trên 14 thôn, với hơn 800 hộ trồng chè. Những năm gần đây, người dân Lùng Vai đã chuyển diện tích trồng ngô, sắn sang trồng chè và cây chè đã trở thành cây làm giàu của người dân nơi đây. Dẫu biết rằng, mỗi lần đốn cành, tỉa tán đều cực nhọc, thậm chí có cả máu và nước mắt, nhưng đổi lại cả năm, họ được thu hái những lứa chè ngát hương…