Xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong những nội dung căn cốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó cũng là vấn đề được tập trung làm rõ tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, diễn ra ngày 19-5, tại Hà Nội.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực xây dựng Đảng...
Hạn chế, yếu kém bắt nguồn từ suy thoái đạo đức
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Người, hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn thời gian qua, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng thẳng thắn nêu: Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, vi phạm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, vi phạm trong thời gian qua của một bộ phận cán bộ, đảng viên, PGS, TS Nguyễn Thu Nghĩa (Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, điều đó bắt nguồn từ sự suy thoái đạo đức, dẫn đến tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân... Thực trạng đó đặt ra vấn đề cần thiết xây dựng được một hệ giá trị chuẩn mực đạo đức cách mạng. Công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên cần phải được chú trọng hơn nữa bởi đây là một trong những nhân tố quyết định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Chính vì vậy, Đại hội XII bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức vào mục tiêu xây dựng Đảng: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đến Đại hội XIII, Đảng ta xác định: Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Đồng quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội dẫn giải, nguyên nhân cơ bản của tình trạng suy thoái nêu trên là do chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò nền tảng của đạo đức trong phát triển và ổn định xã hội, những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường đến đạo đức xã hội. Trên thực tế, chúng ta chưa coi trọng đúng mức giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; thiếu sự tổ chức, phối hợp của các ngành, các cấp. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên và gia đình chưa nêu cao tính tiên phong về tư tưởng, chưa mẫu mực về đạo đức, phong cách. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nêu trên đã có tác động tiêu cực đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tình trạng đó đang làm thay đổi, lệch chuẩn thang bậc giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của cách mạng và dân tộc, đe dọa sự tồn vong của Đảng ta và chế độ.
Nêu rõ những hệ quả của suy thoái đạo đức, đồng thời chỉ rõ vai trò gìn giữ, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, cũng là nội dung được đề cập đến trong phát biểu tham luận của các đồng chí: Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục V04, Bộ Công an; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thế, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS, TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại tá, PGS, TS Dương Quang Hiển, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Lê Hữu Thọ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa; TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh, tỉnh Nam Định...
Các ý kiến tâm huyết nhận định, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường; các thế lực phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, càng cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, các đại biểu dành nhiều thời gian bàn về vấn đề xây dựng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm vận dụng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các cấp ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải cam kết bằng văn bản với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị mình về việc phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống... gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; định kỳ báo cáo với chi bộ về kết quả thực hiện, xác định đây là cơ sở kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Chi bộ, tổ chức đảng quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đảng viên; kịp thời phê bình, uốn nắn, xử lý nghiêm minh những trường hợp đảng viên có vi phạm; kiên trì giáo dục, thuyết phục, đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải kiến nghị cần sớm xây dựng luật đạo đức công vụ, quy định các vấn đề về giá trị cốt lõi của nền công vụ, những chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trên các phương diện. Đặc biệt, phải có quy định chế tài cụ thể và nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị có hành vi bao che hay để xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức công vụ. Trên cơ sở luật về đạo đức công vụ, từng đơn vị cụ thể hóa thành các quy định chi tiết và cụ thể về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên ở ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức, ở phạm vi cần thiết nên thể chế hóa những nguyên tắc đạo đức thành quy phạm pháp luật.
Bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đồng tình với kiến nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc ban hành "Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới". Nhà báo Hà Đăng cho rằng, quy định này nếu sớm được ban hành sẽ là một luồng gió mới thổi mạnh vào việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang phát triển và ngày càng có chiều hướng phát triển hơn nữa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trao đổi về một trong những chuẩn mực đạo đức cụ thể là tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, TS Nguyễn Minh Chung, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nêu quan điểm: Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần tự giác, tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, nâng cao khả năng tự đề kháng trước sự tác động, xâm nhập của những nhân tố độc hại từ bên ngoài. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có hình thức khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm trong vấn đề nêu gương. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên có mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện. Vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương, rèn luyện đạo đức cách mạng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh.
Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; bản lĩnh, kiên định, sáng tạo, tự cường; tận tụy với việc, nhân nghĩa với người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tự trọng, danh dự, đoàn kết, kỷ cương; trách nhiệm, nêu gương, tự soi, tự sửa; tu dưỡng, học tập, phấn đấu suốt đời... Đó là những nội dung được khái quát trong nhiều bài tham luận, với chủ đề cụ thể, như: Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo các mối quan hệ đạo đức (PGS, TS, NGƯT Nguyễn Thế Thắng); khung tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (PGS, TS Trần Hậu Tân); xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh với các thế lực thù địch (PGS, TS Nguyễn Thị Thọ); thực hiện tự phê bình và phê bình trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh (TS Lê Thị Thu Hồng)...
Nhiều ý kiến, bài tham luận đúc rút, để hình thành được các chuẩn mực đạo đức cách mạng, không phải là điều một sớm, một chiều, dễ dàng có được mà phải trải qua một quá trình tu dưỡng, rèn luyện. Đó chính là quá trình trên cơ sở đã nhận thức thấu đáo vị trí, vai trò của đạo đức, sự cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện, mỗi người trở thành chủ thể của quá trình tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo những chuẩn mực chung của xã hội. Xét đến cùng, việc nhận thức và từ đó tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là yếu tố quan trọng nhất để hình thành nên chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đây cũng là điều nhà đạo đức, nhà giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao, nhưng cũng hết sức cao đẹp, vẻ vang của Người.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin, vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra dư luận xã hội, tuyệt đại đa số những người được hỏi đều nhấn mạnh, xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết, rất quan trọng. Có một sự tương thích rất đáng mừng là nhiều chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được tổng hợp từ kết quả điều tra dư luận xã hội, về cơ bản trùng hợp với đề xuất của các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo này.
Khẳng định tất cả ý kiến và bài tham luận đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ và tâm huyết, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, hội thảo góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn tin cậy, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, có tư duy, khát vọng đổi mới, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.