Cô hiệu trưởng và giải thưởng “Công chúa Thái Lan”

Giữ chức vụ hiệu trưởng của một trường tiểu học khi vừa tròn 30 tuổi, cô giáo Trần Thị Thùy Dung chính là người đã giúp Lào Cai trở thành địa phương đầu tiên thí điểm mô hình trường tiểu học mới (VNEN).

Cô giáo Trần Thị Thùy Dung tham gia lớp bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học.
Cô giáo Trần Thị Thùy Dung tham gia lớp bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học.

Từ ước mơ được làm cô giáo…

Trần Thị Thùy Dung sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuy vậy, cô vẫn được bố mẹ cho đi học đầy đủ, để cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn. Từ bé, Trần Thị Thùy Dung luôn mơ ước sẽ trở thành giáo viên. Biết gia đình không có điều kiện cho cô học đại học, Trần Thị Thùy Dung đã quyết định thi vào Trường Trung học Sư phạm Yên Bái. Năm 1997, cô tốt nghiệp, về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bát Xát. Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc giữ các em ở lại học tập và sinh hoạt tại trường quả thật không dễ dàng đối với một cô giáo trẻ vừa ra trường. Cô giáo Trần Thị Thùy Dung đã lựa chọn phương pháp tâm lý, thường xuyên kể cho học sinh nghe những câu chuyện về cuộc sống và luôn gần gũi, chia sẻ, động viên các em đi học đầy đủ. Từ đó, các em học sinh thêm yêu trường, yêu lớp, dần gắn bó với thầy, cô giáo, bạn bè; trường học không còn hiện tượng học sinh bỏ học về nhà làm nương như trước. Cô Dung cho biết, đối với học sinh dân tộc thiểu số, việc các em đến trường, đến lớp đầy đủ là một thành công rất lớn trong công tác giáo dục ở vùng cao.

…đến mô hình trường tiểu học mới

Năm 2001, cô Dung được được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Bát Xát. Sau 1 năm công tác, cô được giao giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường khi 25 tuổi. Trong thời gian này, cô đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tham mưu, quản lý đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Sau 5 năm, cô được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bát Xát. 

Ngay từ đầu, cô hiệu trưởng trẻ tuổi này đã xác định việc dạy học phải lấy học sinh làm trung tâm. Cùng thời điểm đó, tỉnh được đầu tư dự án của tổ chức Oxfam Anh về chuyên đề đổi mới dạy học. Cô Dung là 1 trong 104 cán bộ trong tỉnh được tham gia tập huấn và đi tham quan môi trường giáo dục ở Malaysia và Thái Lan. Sau khi trở về, cô quyết tâm thay đổi phương pháp dạy học cho Trường Tiểu học Bát Xát, nhưng vẫn phù hợp với điều kiện phát triển chung của toàn trường. Chỉ thị số 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” đã tạo cơ hội để cô Dung và Ban Giám hiệu nhà trường mạnh dạn đưa ra những quyết định đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Một trong những thay đổi đầu tiên của nhà trường là bồi dưỡng cho giáo viên để đổi mới phương pháp dạy học, làm sao có thể truyền tải kiến thức, xác định mục tiêu bài học phù hợp với mỗi đối tượng học sinh, từ đó phát huy được năng lực của từng học sinh trong lớp. Trong mỗi tiết học, học sinh được ngồi theo nhóm thảo luận và đặt câu hỏi cho giáo viên. Các em được viết mơ ước của mình và dán lên bảng học tập trong lớp. Nhờ sáng kiến này mà các thầy, cô giáo hiểu được tâm lý học sinh muốn gì và cần gì ở nhà trường. Bên cạnh đó, cô Dung yêu cầu đội ngũ giáo viên chú trọng vào dạy học ứng dụng, đưa ra những bài học cụ thể, gắn liền với thực tế cuộc sống. Hằng ngày, học sinh không còn phải ngồi học ở một vị trí trong lớp mà có thể được ngồi học ở nhiều nơi, vừa tạo sự mới, hứng khởi, vừa mang đến cho các em tâm lý tốt trong giờ học, từ đó tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn rất nhiều.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Bát Xát, cô Dung quyết định tổ chức hội chợ mini ngay tại sân trường. Đây là hội chợ đầu tiên xuất hiện trong trường học; không giống với những hội chợ thương mại khác, các sản phẩm bày bán đều do chính tay các em học sinh Trường Tiểu học Bát Xát thực hiện đã thu hút rất đông người tham gia. Thật bất ngờ, khi hội chợ kết thúc, nhà trường thu được hơn 40 triệu đồng, cô Dung quyết định dùng số tiền đó để mua bảng tương tác phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh sử dụng bảng tương tác bằng 100% nguồn xã hội hóa. Ngay sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quyết định xây dựng và đặt tên cho Trường Tiểu học Bát Xát là Trường Tiểu học Lào Cai mới.

“Tiếng lành đồn xa”, từ các thầy, cô giáo trong tỉnh, ngoài tỉnh, đến các bậc phụ huynh đều tò mò về ngôi trường mang tên Trường Tiểu học Lào Cai mới, nên tới tham quan và tỏ ra thích thú với mô hình này. Từ đó, mô hình trường tiểu học mới được nhân rộng trên địa bàn tỉnh và rất thành công trong việc đổi mới công tác dạy và học trong nhà trường. Điều đáng nói, năm 2010, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển quyết định chọn Trường Tiểu học Bát Xát là đơn vị thí điểm đầu tiên cho mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) tại Lào Cai.

Sau gần 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học Bát Xát, năm 2011, cô Dung được luân chuyển và giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tuyển số 2; một năm sau, được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (thành phố Lào Cai). Như duyên số sắp đặt, khi cô về làm Hiệu trưởng cũng là lúc Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân được lựa chọn tham gia mô hình trường học tiểu học mới Việt Nam. Bằng những kinh nghiệm tích lũy được qua thời gian làm công tác quản lý và cũng là người trải những bước đi đầu tiên trong việc đổi mới giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh, cô Dung tiếp tục phát huy sáng tạo, vận dụng linh hoạt những thay đổi trong cải cách giáo dục để phù hợp với môi trường mới. Cô thành lập hội đồng tự quản nhà trường, bao gồm giáo viên, phụ huynh và học sinh, từ đó giúp các em học sinh hình thành những năng lực cơ bản, được tham gia dân chủ trong môi trường giáo dục.

Sân trường Tiểu học Lê Ngọc Hân được tận dụng để bày trí thành góc học tập, giúp các em có thể tự học trong giờ học hay giờ ra chơi. Bên cạnh đó, cô Dung đã đưa ra sáng kiến mở rộng không gian học tập bằng cách phối hợp với một số siêu thị, cửa hàng trung tâm, một số khu công nghiệp hay trang trại của gia đình phụ huynh học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục. Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cũng là trường học đầu tiên trong tỉnh có bể bơi do học sinh đề xuất, do vậy, hơn 70% học sinh trong trường đều biết bơi. Chỉ sau 1 năm thực hiện đổi mới, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn là trường trọng điểm của tỉnh về mô hình trường học mới Việt Nam.

Với nhiều đóng góp trong công tác đổi mới giáo dục, vừa qua, cô giáo Trần Thị Thùy Dung đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn cùng với 10 đại diện tiêu biểu của các nước thành viên SEAMEO đến Thái Lan nhận giải thưởng “Công chúa Thái Lan” (Princess Maha Chakri Award - PMCA) tổ chức vào tháng 10/2015. Đây là giải thưởng quốc tế danh giá dành cho thầy, cô giáo, lãnh đạo trường học có nhiều đóng góp và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

fb yt zl tw