Theo thống kê của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, thời gian qua có sự chuyển dịch rất lớn về doanh thu quảng cáo từ báo chí sang các nền tảng mạng xã hội. Những cơ quan báo chí sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng đã và đang rất cần sự hỗ trợ, nhất là ưu đãi về thuế, của Nhà nước...
Bộ trưởng Bộ TT-TT NGUYỄN MẠNH HÙNG:
Nhà nước đặt hàng truyền thông chính sách
Về nguồn thu quảng cáo, hiện nay có 80% quảng cáo trực tuyến rơi vào mạng xã hội. Nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí sụt giảm một cách đáng kể. Trong khi đó, số lượng cơ quan báo chí tăng (hiện nay là 880 cơ quan báo chí).
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rất rõ là chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí.
Đây là một thay đổi và cũng sẽ là một nguồn tăng thêm cho các cơ quan báo chí thực hiện về kinh tế báo chí. Song song đó, báo chí cũng phải thay đổi công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội, đưa công nghệ của báo chí tương đương với các nền tảng xã hội.
Sắp tới sửa đổi Luật Báo chí, về kinh tế báo chí, bộ dự kiến đề xuất cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông. Dự luật cũng đề xuất Quốc hội giao Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Đại biểu ĐỖ CHÍ NGHĨA, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Báo chí phải vươn mình trên mặt trận tư tưởng
Thói quen của công chúng đã thay đổi nên sự vận hành của các cơ quan báo chí cũng phải điều chỉnh phù hợp. Báo chí, dù được vận hành bằng bất kỳ nguồn ngân sách nào, nếu không có công chúng, không có sự tác động đến xã hội, hiệu quả rất hạn chế. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho báo chí, trong đó có việc khuyến khích các cơ quan nhà nước đặt hàng báo chí.
Đây là một chủ trương cần thiết, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai còn nhiều hạn chế. Dù ngân sách đặt hàng đã tăng, nhưng sự thay đổi trong thực tiễn chưa đạt kỳ vọng, do những vướng mắc về định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá.
Trong thời đại kỷ nguyên vươn mình, báo chí cách mạng cũng phải vươn mình, xung kích trên mặt trận tư tưởng. Báo chí tiếp cận công chúng đúng cách và đáp ứng nhu cầu thông tin của họ, nguồn thu sẽ tự khắc thay đổi, đảm bảo sự bền vững.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải đúng và đủ để báo chí phát triển, thích ứng với thực tiễn. Đây là cơ hội để báo chí thay đổi và phát triển, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Báo chí cách mạng không chỉ cần sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước mà còn cần phát triển các nguồn thu bền vững từ công chúng và các dịch vụ khác; phải có sự nghiên cứu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng, bởi họ hiện có rất nhiều lựa chọn.
Cơ quan báo chí cần tiếp cận công chúng một cách linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường truyền thông; đồng thời cần đổi mới, sáng tạo và tận dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việc đào tạo nhân lực báo chí cần được cải thiện, không chỉ đào tạo về kỹ năng viết báo truyền thống mà còn phải trang bị kiến thức đa nền tảng, đa phương tiện. Phóng viên cần được đào tạo để có thể sáng tạo, hy sinh và cống hiến cho nghề báo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng và sự phát triển của xã hội.
Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN (TPHCM):
Áp Thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp nhất có thể
Hiện nay, công tác tuyên truyền nói chung, truyền thông chính sách nói riêng rất quan trọng. Do vậy, vai trò của báo chí càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Giai đoạn này, báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề kinh tế báo chí, khi mà các nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp, sụt giảm. Các cơ quan báo chí phải cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng mạng xã hội, nên phải đầu tư mạnh về nhân lực, công nghệ hiện đại...
Do đó, nhà nước nên có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tối đa các cơ quan báo chí phát triển, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Thuế Thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí nên áp dụng ở mức thấp nhất có thể, thậm chí là miễn, giảm đến mức tối đa. Trong đó cần mức thuế chung cho cơ quan báo chí chứ không nhất thiết tách ra các mức thuế khác nhau. Việc giảm Thuế Thu nhập doanh nghiệp cho các loại hình báo chí xuống 10% như nhau là hợp lý.
Về dự án Luật Quảng cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, có nội dung điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí, nên để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:
Sẽ đề xuất 10% là mức thuế chung cho báo in và báo điện tử
Để báo chí phát triển, trong thời gian tới phải hoàn thiện, sửa đổi Luật Báo chí và chính sách pháp luật liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, theo kịp với yếu tố của thời đại. Song song với đó là siết chặt tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí. Đặc biệt là phải đổi mới và tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, như thuế.
Chính phủ cũng đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi thì Thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với báo in và báo điện tử đều là 10% (báo điện tử hiện là 20%, báo giấy là 10% - PV), để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí.
Cùng với đó là ngân sách cấp, ngân sách hỗ trợ, đặt hàng báo chí với những thủ tục đơn giản nhất và hiệu quả nhất; tăng cường công tác quảng bá và thu nhập từ quảng cáo; hỗ trợ để phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí...