Cây cát cánh nằm trong danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030 do Bộ Y tế ban hành, là cơ sở cho các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn loài, nhóm loài phù hợp để phát triển dược liệu.
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khí hậu, Tây Bắc là vùng có lợi thế phù hợp phát triển các vùng trồng dược liệu. Hiện có khoảng 1.500 cây dược liệu quý.
Do dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm, việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước nhằm phục vụ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng là điều được các cấp, các ngành quan tâm.
Tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100ha, mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây ngô trước đây. Vì vậy, bà con đã hưởng ứng trồng loại cây này.
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ, cao nguyên từng là nông trường trồng dược liệu những năm 1970-1980. Nhưng sau thời bao cấp, không có nguồn bao tiêu, không có “cửa” phát triển, diện tích dược liệu thu hẹp dần.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tới 2020 định hướng 2030, tạo những chính sách riêng cho cây dược liệu. Trong 8 vùng quy hoạch trồng dược liệu có thế mạnh, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái đáp ứng nhu cầu thị trường, vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới, Bắc Hà được quy hoạch để phát triển 12 loài dược liệu bản địa và nhập nội.
Trong dự án phát triển dược liệu giai đoạn 2014-2020, Bắc Hà định hướng tập trung trồng atiso và đương quy, sau đó mở rộng diện tích bạch truật, xuyên khung... để hình thành làng nghề mới về trồng, chăm sóc và sơ chế dược liệu.
Dự án đặt mục tiêu năm 2020 hình thành được vùng nguyên liệu ổn định, diện tích 84ha cho sáu loại cây tại năm xã vùng cao.
Và cát cánh chưa từng nằm trong danh mục cây chủ lực, nên chỉ được trồng thử nghiệm với diện tích rất nhỏ khi chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Những cuộc tiếp xúc, thương thuyết với các công ty dược để tìm đầu ra cho dược liệu khiến lãnh đạo Bắc Hà khi ấy rất đau đầu.
Theo bà Chu Thị Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, doanh nghiệp không mua hoặc mua cát cánh với giá rất thấp. Không có đầu ra, huyện cũng không dám “liều” mở rộng diện tích.
Nút thắt được tháo gỡ khi lãnh đạo Nam Dược và huyện Bắc Hà đặt bút ký hợp đồng đầu tiên về bao tiêu cát cánh. Điều kiện tiên quyết: sản lượng bao nhiêu công ty thu mua bấy nhiêu. Bà con có đầu ra, ngược lại Nam Dược có nơi cung cấp nguyên liệu.
Tuy nhiên, việc thay đổi tập tục canh tác rất khó. Trong khi cát cánh là loài cây mới, trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của WHO).
Từ lúc gieo hạt xuống tới khi thu hoạch, nhà nông phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật, như không dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích hay can thiệp hóa học… để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của nguồn dược liệu. Đây cũng là thách thức đối với các cán bộ khuyến nông huyện.
Tuy nhiên, sau thời gian vận động bà con chuyển đổi mô hình canh tác, diện tích cát cánh ở Bắc Hà đã nhân lên gấp mười lần, từ 12ha đầu tiên năm 2016 lên 120ha vào năm 2020, trở thành vùng trồng lớn nhất nước. Mỗi ha cát cánh thu hoạch khoảng một tấn củ tươi, cho giá trị 100-120 triệu đồng, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.
Hiệu quả kinh tế được chứng minh, cán bộ khuyến nông huyện Bắc Hà rút dần sự hiện diện trên ruộng đồng. Huyện cũng giảm các chính sách bao cấp, để bà con tự đầu tư, mua màng che phủ, chọn hạt giống cho mùa sau. Phía huyện chỉ còn đảm nhiệm phần ký kết hợp đồng với các công ty giúp bà con bao tiêu sản phẩm hằng năm.
Nông dân thấy lợi, muốn mở rộng diện tích trồng, nhưng Bắc Hà định hướng không sản xuất ồ ạt mà theo đơn đặt hàng hằng năm của các doanh nghiệp dược. Có thể nói, cây cát cánh từ chỗ phải nhập khẩu thì nay đã được trồng trong nước với chất lượng quốc tế quy định.
Tiến sĩ Hoàng Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, trước năm 2016, khoảng 90% dược liệu cát cánh phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Song có hai điều mà ông lo ngại là xuất xứ vùng trồng và hàm lượng hoạt chất.
Và tự chủ nguồn nguyên liệu là tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là với cây cát cánh. Ông Châu cho biết Nam Dược luôn chú trọng quản lý được chất lượng, hàm lượng dược chất trong cây dược liệu, cùng với đó là quy trình trồng trọt theo quy chuẩn GACP-WHO, đem lại nguồn nguyên liệu sạch, uy tín, chất lượng.
Năm 2021, công ty dẫn một số doanh nghiệp trong ngành cùng lên Lào Cai khảo sát thêm địa điểm trồng cho các loại nguyên liệu chủ lực. Xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động trong sản xuất đang mở ra hướng đi cho các công ty dược.
Cùng với sự chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ bà con canh tác, cây dược liệu cát cánh phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Dược liệu này dần trở thành một chỉ dẫn địa lý, giúp bà con thay đổi cuộc sống, phát triển du lịch.
Ngược lại, doanh nghiệp không phải nhập khẩu, yên tâm về nguồn gốc lẫn chất lượng nguyên liệu. Như vậy, hình thành các vùng trồng trong nước để giảm dần mức độ phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu Trung Quốc là một hướng đi đúng đắn.