Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng gần đây đã phát hiện các trường hợp mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để lập các kênh thông tin giả mạo nhằm thực hiện các hành vi gây nhiễu loạn thông tin liên quan đến tuyển sinh, hạ điểm chuẩn...
Trước đó, Bộ đã nhiều lần bị các cá nhân, tổ chức mạo danh và đăng thông tin không chính thống, gây nhiễu loạn thông tin. Sau đó, Bộ đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và kịp thời cảnh báo đến người dân.
Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị người dân nâng cao cảnh giác nếu gặp phải các trường hợp trên.
Thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã tăng đột biến về số lượng. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không những thế, các hình thức chiêu trò lừa đảo ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, giả mạo giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện đang có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị, để ngăn chặn các vụ lừa đảo trực tuyến, ngoài xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, cần phải thúc đẩy tuyên truyền cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người dân càng tốt.
Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa và ngăn chặn từ cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dùng Internet hiện nay cũng cần phải liên tục bổ sung các kiến thức để nhận biết các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến nhằm chủ động phòng ngừa rủi ro cho bản thân.