Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Lào Cai có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo ban tổ chức các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được triển khai nội dung Quy định 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”; Quy định 113-QĐ/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương”.
Quy định 114 được ban hành thay thế Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định 114 có nhiều điểm mới giúp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tốt hơn. Cụ thể, Quy định đã bổ sung, mở rộng đối tượng không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch – đầu tư, tài nguyên – môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát… ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí.
Quy định 113-QĐ/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương” được áp dụng đối với đảng ủy cơ sở trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (trừ đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và đảng ủy cơ sở trong lực lượng vũ trang). Đồng thời, việc thí điểm phải đảm bảo chặt chẽ, thận trọng và chỉ thực hiện ở những đảng bộ thực sự cần thiết.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cấp ủy các cấp nhanh chóng triển khai các bước để những quy định mới của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Đối với Quy định 113, nơi nào đủ điều kiện thì thực hiện thí điểm theo quy định.
Đồng chí Trương Thị Mai nêu, Quy định 114 ngay sau khi ban hành đã được các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền và nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội cũng như các đại biểu tham dự hội nghị. Trước Quy định 114, Đảng đã rất quan tâm đến những vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ, vì vậy năm 2019 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 về “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, cùng với các văn bản, quy định khác đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong một giai đoạn nhất định, góp phần làm tốt công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn đảng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; khắc phục từng bước tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thao túng trong công tác cán bộ…
“Quy định 114 là quy định khó, vì đụng chạm đến tâm tư, tình cảm, mong muốn của con người. Ai cũng muốn người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng. Chỉ có điều, là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý phải lưu ý những gì cấm thì không được làm, những gì yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để làm sao khi đưa ra những quyết định thực sự “tâm phục, khẩu phục” không chỉ trong nội bộ cơ quan, mà còn để dư luận xã hội, đông đảo cán bộ, đảng viên nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo. Vì vậy, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, tự giác để thực hiện Quy định 114”, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.
Đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị này các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt nội dung Quy định 113, 114 đến đông đảo cán bộ, đảng viên; cụ thể hóa tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nhất là với Quy định 114. Thực hiện nghiêm để Quy định 114 về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” sớm đi vào cuộc sống một cách thực chất, đáp ứng niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Muốn vậy, không chỉ là quyết tâm của Bộ Chính trị, mà còn là quyết tâm của từng cấp ủy, từng tổ chức đảng, từng người đứng đầu, từng cán bộ lãnh đạo quản lý… để đạt yêu cầu Quy định 114 đã đặt ra.
Lào Cai xác định một số nhiệm vụ triển khai sau hội nghị
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng các quy định mới của Bộ Chính trị trong việc đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo niềm tin cho Nhân dân đối với Đảng và chế độ, ngay sau hội nghị, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, đó là:
Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để nghiên cứu, học tập, quán triệt quy định mới của Bộ Chính trị, đồng thời chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, bí thư các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp phổ biến, quán triệt quy định của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, đơn vị trực thuộc và toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành nghiêm các nguyên tắc, quy trình, quy định về công tác cán bộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; chủ động nắm tình hình dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với cán bộ.
Chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy trình, quy chế về công tác cán bộ, đảm bảo chủ trương, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.