Từ khi xã hội loài người hình thành thì đạo đức xã hội đã xuất hiện nhưng đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn xây dựng là đạo đức mới - đạo đức cách mạng, tức là đạo đức của người cách mạng và đạo đức để phụng sự cách mạng. Với quan niệm “mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề này trong rất nhiều bài viết và có riêng hai bài viết đều mang tên “Đạo đức cách mạng” (tháng 6/1955 và tháng 12/1958).
Tuy nhiên, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” được Người viết dưới bút danh Trần Lực và in lần đầu trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) cách đây tròn 65 năm, là tác phẩm tập trung đầy đủ nhất những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.
Vào thời điểm năm 1958, miền Bắc đang trong giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa để chuẩn bị bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà đang bị Mỹ - Diệm ra sức phá hoại. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam - những nhiệm vụ cách mạng vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự sống còn của cả dân tộc vào thời điểm đó đều phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Tình hình đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải phát huy tinh thần hy sinh, gương mẫu, giữ vững đạo đức cách mạng.
Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên “lầm tưởng rằng miền Bắc không còn thực dân và phong kiến nữa, thì tức là cách mạng thành công rồi. Do đó mà họ để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi”, “không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ”. Những biểu hiện, diễn biến đó nếu không ngăn chặn sẽ làm Đảng suy yếu, làm nhân dân mất lòng tin vào Đảng và chế độ. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” để mỗi tổ chức đảng và đảng viên nhìn nhận, soi xét, sửa mình, tu dưỡng, phấn đấu sao cho xứng đáng với tư cách của người cách mạng.
Là người có tư duy hệ thống, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về đạo đức cách mạng một cách rất toàn diện.
Trước hết, Người nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức cách mạng. Với sự trải nghiệm của một nhà cách mạng lão luyện, Người khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Đạo đức cách mạng giúp cho người đảng viên đúng mực trong mọi hoàn cảnh, thắng không kiêu, bại không nản; gặp những thử thách khốc liệt của hoàn cảnh thì sẵn sàng hy sinh thân mình để giữ trọn lòng trung thành với Đảng, với nhân dân và Tổ quốc. Lịch sử của Đảng đầy vinh quang và Đảng thu phục được lòng dân là nhờ có những chiến sĩ cách mạng như thế.
Tuy nhiên, trong mỗi con người, đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân luôn song hành tồn tại; cái nào yếu thì cái đối lập sẽ thắng thế. Nếu đảng viên không giữ được đạo đức cách mạng thì chủ nghĩa cá nhân “sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng” và thải loại người cách mạng khỏi vị trí cao quý của người chiến sĩ tiên phong.
Sự suy thoái không có điểm dừng; khi không còn nhiệt huyết đi đầu, tất yếu họ trở thành những người lừng chừng, chậm tiến và “dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”, trở thành kẻ phản bội lại tổ chức. Ngay cả khi vẫn đi theo Đảng, nếu người cán bộ không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, bởi nhân dân chỉ tin yêu những người có đạo đức thực sự và đủ sự tinh tường để nhận ra ai có đạo đức thực sự. Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, đạo đức của mỗi cá nhân không còn là “tư đức” mà là vấn đề “công đức” bởi gắn với đó là uy tín của chính thể, lòng tin của dân.
Với tư duy khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc”, tức là phải có định hướng rõ ràng về tiêu chí, chuẩn mực. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên thực chất là các giá trị đạo đức cộng sản đã được cụ thể hóa vào Việt Nam và trở thành cái để phân biệt người đảng viên với đông đảo quần chúng.
Việc xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng là vấn đề đặc biệt quan trọng bởi đó chính là hình mẫu con người đại diện cho lý tưởng cộng sản, cho chế độ tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước đang xây dựng. Để cán bộ, đảng viên có phương hướng phấn đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra các biểu hiện cơ bản của đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải là “sáo ngữ” mà là những hành động rất cụ thể: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng” - đây là điều chủ chốt nhất; là “ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”; là “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”; là “ra sức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”. Đạo đức cách mạng còn là hòa mình với quần chúng, tin quần chúng, hiểu quần chúng, làm gương cho quần chúng và làm cho quần chúng tin yêu.
Nói một cách ngắn gọn nhất: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”, là không cúi đầu trước mọi kẻ địch, mọi khó khăn, gian khổ; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đạo đức cách mạng của từng đảng viên làm nên đạo đức của toàn Đảng và uy tín của Đảng trước dân tộc.
Nếu trí tuệ con người ít nhiều có yếu tố bẩm sinh thì đạo đức là một sự lựa chọn giá trị sống. Sự tu dưỡng đạo đức cách mạng hoàn toàn không dễ dàng; ngược lại, quá trình ấy không khác gì “gạo đem vào giã bao đau đớn”. Để giúp các tổ chức đảng và đảng viên có phương hướng thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn ra hệ thống giải pháp nhằm nâng cao đạo đức cách mạng.
Muốn giữ vững đạo đức cách mạng, mỗi tổ chức, mỗi đảng viên phải kiên trì tự giác đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân - thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, thứ căn bệnh “mẹ” đẻ ra “trăm thứ bệnh nguy hiểm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Tuy nhiên, Người luôn nhắc nhở: Chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là “giày xéo” lên cá nhân; ngược lại, phải tạo điều kiện để mỗi con người phát huy hết đặc tính, năng lực của mình và cống hiến nhiều hơn cho cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ta sở dĩ tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ là do “khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”, đặc biệt là sự phê bình của quần chúng bởi chỉ có quần chúng mới biết rõ, người cán bộ có hành động vì lợi ích của họ hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ, phê bình và tự phê bình là làm cho “phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi” để giúp người khác tránh được khuyết điểm tương tự và để Đảng đi đến sự thống nhất, đoàn kết hơn nữa.
Ngược lại, những ai chỉ muốn “phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng” thì nhất định sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu, thoái bộ và bị quần chúng bỏ rơi.
Tu dưỡng đạo đức suốt đời là giải pháp trọng yếu của người cách mạng bởi, một việc tốt, một ngày tốt không làm nên một đời tốt nhưng một đời tốt lại dễ dàng bị hủy hoại bởi một việc xấu, một ngày xấu nếu cái xấu ở mức độ trầm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết chân lý: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Không ai có thể không khổ luyện mà thành tài; càng không ai có thể không rèn đức mà đức sáng. Nghị lực và ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức suốt đời vừa là giải pháp thực thi đạo đức cách mạng, vừa là biểu hiện của đạo đức cách mạng bởi người tốt thực sự sẽ không bao giờ thấy cái tốt của mình là đã đủ để không cần tu dưỡng nữa.
Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” thực sự là một “đại tổng kết” về đạo đức cách mạng. Chăm lo cái gốc đạo đức của Đảng là chủ thuyết sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, nhà sử học Trần Văn Giàu từng đúc kết rằng: “Quả có một đạo đức học Hồ Chí Minh”. Với dung lượng 12 trang - đủ để làm một tài liệu học tập trong Đảng, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” chứa đựng tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng một Đảng chân chính cách mạng trong điều kiện cầm quyền.
Cảnh báo của Người về sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, về tình trạng “tự tha hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên từ 65 năm trước, nay đang là những nguy cơ rất lớn trong Đảng. Nếu “một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ” như lời Lênin thì mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng phải biết tự bảo vệ mình trước sự tha hóa của chính mình.
Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Trọng trách trước Đảng, trước nhân dân đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo phải giữ gìn đạo đức cách mạng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bất kể ai, ở vị trí nào, nếu không rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trở nên kiêu ngạo, tự tôn, tự tác, coi mình cao hơn tổ chức thì “cái chết về chính trị” là điều khó thoát, khó tránh. Với trách nhiệm của người sáng lập và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao truyền lại cho Đảng “vũ khí” hữu hiệu để xây dựng Đảng “từ gốc”.
Mỗi tổ chức đảng, mỗi cá nhân đảng viên phải thực sự “mở lòng” đón nhận từ Người những thông điệp đạo đức cao cả để “giữ mắt cho trong, giữ lòng cho sáng” nhằm đưa dân tộc tiến bước cùng thời đại.