Cơ sở sản xuất Lèo Thị Thúy, thôn 3, xã Bản Vược những ngày này nhộn nhịp các đơn hàng tết. Trong tháng 12, cơ sở nhận tin vui khi có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, đó là: thịt trâu gác bếp Lèo Thúy, thịt lợn gác bếp Lèo Thúy, lạp xường gác bếp Lèo Thúy, thịt nạc vai sấy héo Lèo Thúy.
Hành trình từ sản phẩm “tự phát” đến đủ tiêu chuẩn OCOP được chủ cơ sở Lèo Thị Thúy kể lại đầy thú vị.
Vợ chồng chị Lèo Thị Thúy quê gốc ở Sơn La, sang làm việc tại Công ty Công nghiệp hoá chất mỏ Tây Bắc. Vốn sẵn nghề sấy thịt truyền thống của gia đình, vào mỗi dịp tết, chị Thúy lại sấy vài mẻ thịt phục vụ nhu cầu của gia đình và biếu bạn bè, người thân. Thế rồi mọi người khuyên chị Thúy nên làm nhiều hơn để kinh doanh, vì các món thịt sấy của gia đình có vị rất ngon.
Cách đây 17 năm, chị Thúy đã bán những đơn hàng đầu tiên. Do nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn nên năm 2022, cơ sở đầu tư lò sấy củi công suất lớn, máy móc, công nghệ mới để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, cơ sở có 8 lò sấy củi công suất 4 tạ thịt tươi/ngày, 3 máy sấy thịt xé, một máy tiệt trùng...
Chị Thúy luôn xác định tiêu chuẩn của người tiêu dùng ngày càng cao, sản phẩm muốn có chỗ đứng bền vững thì bên cạnh yếu tố ngon phải đảm bảo tiêu chí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì lẽ đó, cơ sở quyết tâm xây dựng thương hiệu và các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP.
Chị Lèo Thị Thúy cho biết: Để được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cơ sở đã phải nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi khắt khe ngay từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào để tạo ra những sản phẩm thịt sấy thơm ngon, đảm bảo chất lượng. Các khâu chế biến, nhà xưởng, công nhân phải đáp ứng tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được chứng nhận OCOP chính là cơ hội để các sản phẩm thịt sấy Lèo Thúy vươn xa hơn nữa. Hiện mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường hơn 1 tạ thịt sấy các loại, tạo việc làm cho 10 phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương.
Hợp tác xã Minh Phúc, tổ 11, thị trấn Bát Xát hiện có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm: lục trà shan tuyết, hồng trà shan tuyết, miến đao sâm, miến cải kale lạc đỏ, siro lê mật ong.
Để xây dựng và đạt chứng nhận OCOP cho 6 sản phẩm này, hợp tác xã đã phải trải qua hành trình đầy gian nan, trong đó đầu tiên là ký kết với các hộ dân làm vùng nguyên liệu an toàn. Trước đó, nông dân chưa quen với việc quản lý quy trình sản xuất qua nhật ký canh tác và phòng trừ sâu bệnh, từ khi ký hợp đồng vùng nguyên liệu với hợp tác xã Minh Phúc, quy trình này được thực hiện nghiêm ngặt.
Được chứng nhận OCOP, các sản phẩm của hợp tác xã Minh Phúc trở thành thương hiệu ưa chuộng trên thị trường, sản phẩm vì thế có sức tiêu thụ tốt hơn. Từ đó góp phần giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu rộng lớn.
Bát Xát là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP, như: dược liệu, rau, chè, thắng cố, bia Hà Nhì... Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện triển khai các nội dung chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện Bát Xát đã tích cực tổ chức và hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình, như: hỗ trợ thiết kế logo, tem mác, mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm; tích cực giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Từ đó, thu hút thêm nhiều chủ thể tham gia chương trình.
Đến hết năm 2024, huyện Bát Xát có 40 sản phẩm OCOP, trong đó có 38 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao.
Mỗi năm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ triển khai phân hạng, đánh giá sản phẩm, thành viên hội đồng gồm: UBND huyện là cơ quan thường trực, đại diện các ngành nông nghiệp, công thương, y tế, môi trường. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng, Hội đồng tiến hành thẩm định thực tế vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất và họp đánh giá hồ sơ đăng ký so với thực tế, rà soát hồ sơ các sản phẩm theo đúng bộ tiêu chí theo quy định.
Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, địa phương luôn củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử và định hướng xuất khẩu; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP. Đồng thời, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, trong đó quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành, nâng tầm các sản phẩm thương hiệu.
Bên cạnh tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, Bát Xát cũng hướng đến phát triển các sản phẩm VietGAP, hữu cơ, như: dược liệu, rau, thắng cố, bia Hà Nhì; định hướng xuất khẩu chè ở phân khúc cao cấp sang thị trường tiềm năng.
Để hiện thực hóa điều này, Bát Xát đang tập trung giải quyết một số khó khăn, ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu; tích cực tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của địa phương; hướng các chủ thể sản xuất sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.