Tại những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, nhận thức của đồng bào còn hạn chế đã và đang trở thành mục tiêu để các tổ chức bất hợp pháp, thế lực thù địch lợi dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo hòng đưa thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước. Bằng kinh nghiệm, vốn sống và khả năng của mình, người có uy tín giữ vai trò không nhỏ trong công tác đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gìn giữ sự bình yên cho bản làng.
Một ngày đầu tháng 5/2011, anh Giàng Seo Cấu, Trưởng thôn Phìn Giàng A, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, nhận được một cuộc điện thoại. Giữa đường, sóng điện thoại phập phù, anh nghe thấy tiếng của Hảng Seo T., người dân ở thôn thốt lên đầy chua xót: Mình bị kẻ xấu lừa rồi. Đến Mường Nhé của Điện Biên mà chẳng thấy Vương chủ đâu. Giờ đồ đạc không có, nhà ở cũng không, vừa đói, vừa khổ, muốn quay về lắm mà sợ chẳng còn đường về!
Những cuộc điện thoại vừa để nắm tình hình, vừa vận động bà con không tham gia hoạt động vi phạm pháp luật đã được anh Cấu, người có uy tín trong đồng bào Mông ở Phìn Giàng A gọi đi, gọi lại nhiều lần trong những ngày bản Mông trở thành “điểm nóng”. Mặc dù trước đó, cấp ủy đảng, chính quyền đã tuyên truyền nhiều lần nhưng do nhận thức còn hạn chế, một số người vẫn u mê, tin vào lời viển vông, huyễn hoặc của kẻ xấu về một cuộc sống không làm mà vẫn có ăn, ốm đau chỉ cần cầu nguyện là sẽ khỏi bệnh mà lặng lẽ rời bỏ bản làng trong đêm để tham gia thành lập “Nhà nước Mông” ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Được giải thích, vận động, ít ngày sau, Hảng Seo T. cùng những người Mông nhẹ dạ cả tin ở Phìn Giàng A đã quay trở lại quê hương. Nhìn cuộc sống bình yên hôm nay, Hảng Seo T. thầm nghĩ, nếu ngày ấy không nghe lời khuyên của Trưởng thôn Giàng Seo Cấu, không biết gia đình sẽ đi về đâu. T. vẫn thầm cảm ơn “thủ lĩnh” của bản đã giúp mình tỉnh ngộ, sửa sai.
Ngày chúng tôi lên thăm, góc nhà của anh Cấu đầy ắp những bao thóc. Anh còn là chủ nhân của đồi quế hơn 3 vạn cây, trong đó có khoảng 2 vạn cây đã bắt đầu cho khai thác.
Nhìn về phía lòng thung nơi những bãi ngô đang mùa trổ bắp, anh Cấu bảo: Ngày ấy mình vận động bà con trở về, chăm chỉ cấy cày để cuộc sống ấm no thì mình phải là người đi trước, nói được, làm được để bà con tin tưởng và làm theo. Đảng và Nhà nước đã giúp bản Mông có điện, có đường, có trường học, mình phải khuyên đồng bào không thể cứ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải cùng có trách nhiệm tham gia những công việc chung. Bàn tay mình đắp xây quê hương, ấm no đời đời ở đó thì sẽ chẳng ai còn nghĩ đến việc rời bỏ dù bất cứ lý do gì.
Mới đây, các hộ tham gia hiến đất làm 3 tuyến đường liên gia dài 1,2 km, trong đó tuyến đường đầu tiên do anh Cấu cùng 2 hộ thực hiện, mỗi hộ đóng góp 10 triệu đồng. Trước đó, đồng bào nơi này nghe Trưởng thôn tuyên truyền liền tích cực tham gia làm 1,1 km đường điện thắp sáng; đóng góp để sửa chữa bếp ăn cho phân hiệu mầm non. Sau tất cả, nhịp sống mới đã về với bà con, chứa đầy niềm tin và hy vọng.
Trong hành trình đến những thôn bản đặc biệt khó khăn, nơi từng là “điểm nóng” về hoạt động tôn giáo trái pháp luật, chúng tôi tìm về bản Mo, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên. Cách đây hơn mười năm, một số hộ người Mông ở thôn bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn dắt đi theo tà đạo Dương Văn Mình. Ông Giàng Seo Khoa, người từng có hơn 10 năm là công an viên, Trưởng Ban công tác mặt trận và là người có uy tín ở bản trở thành nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động giúp đồng bào tỉnh ngộ, không tin và nghe theo lời những luận điệu bịp bợm “không làm cũng có ăn”, “không học cũng biết chữ”, “ốm đau tự khỏi bệnh”…
Sống cùng dân bản, ông Khoa hiểu, cái “nghèo kinh tế”, “nghèo nhận thức” đã đẩy đồng bào đi lầm đường. Việc giải quyết khó khăn về kinh tế cho các hộ được ông quan tâm thực hiện song song với việc phối hợp cùng cấp ủy đảng, chính quyền tuyên truyền các hộ dân bỏ tà đạo. Nhà ông Sùng Seo Dơ, Ma A Pao không có tiền mua phân bón cho ruộng lúa, ông Khoa cho mỗi hộ vay 200 - 300 nghìn đồng để mua, khi nào thu hoạch có tiền trả sau. Nhà ông Sùng Dìn Cú không có gạo ăn, ông Khoa cho 1 bao thóc và 100 nghìn đồng để gia đình không bị đứt bữa.
Thấy trên núi, đất đai rộng rãi, ông Khoa bắt tay vào trồng quế và vận động bà con trồng để nâng cao thu nhập. Đến nay, hộ nào trong thôn cũng trồng quế, có hộ bán quế được 50 - 100 triệu đồng/năm. “Tà đạo không còn nhưng nỗi ám ảnh chuyện xưa “người cô giết cháu để được đắc đạo” vẫn còn đó, tôi luôn khuyên đồng bào rằng bản Mông chỉ đi theo Đảng, theo Bác Hồ để được ấm no”, ông Khoa bộc bạch.
Tại bản Khao, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên, cách đây 2 năm, tà đạo “Bà Cô Dợ” len lỏi đến 2 hộ người Mông nghèo khó khiến cuộc sống của cả bản bị xáo trộn. Trưởng bản Sùng Seo Phổng và cũng là người có uy tín trong cộng đồng đã nhiều lần tham gia cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đến gặp các hộ tuyên truyền, giải thích, kịp thời nắm tình hình từ cơ sở để tránh việc có thêm hộ bị rủ rê, lôi kéo tham gia tổ chức bất hợp pháp. Trước sự đấu tranh hiệu quả, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 1 năm len lỏi, vào cuối năm 2023, tổ chức “Bà Cô Dợ” bị xóa khỏi bản Khao.
Để đưa các hộ trở lại cuộc sống bình thường, hàn gắn tinh thần đoàn kết của cả bản, ngày ngày đi làm nương, anh Phổng luôn gần gũi những gia đình mới bỏ tà đạo để trò chuyện, hỏi han tình hình. Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trong bản, anh thuyết phục đại diện các hộ tham gia đầy đủ. "“Bản mình giờ đoàn kết như xưa, phấn khởi lắm", Trưởng bản Sùng Seo Phổng tâm sự.
Lào Cai hiện có gần 800 nghìn người, gồm 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 66% dân số. Toàn tỉnh hiện có 138/152 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điểm chung trong những thôn bản từng là “điểm nóng” cho thấy địa bàn xa xôi, cách trở, nơi nhận thức của đồng bào còn hạn chế trở thành khu vực mà các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái phép để tuyên truyền thông tin sai trái, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mỗi cá nhân nhưng cũng kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ. Tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là các nội dung: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Những câu chuyện kể trên chỉ là một phần của công tác đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua và người có uy tín trở thành “cầu nối” để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đến gần với đồng bào, đi sâu vào cuộc sống. Không chỉ kịp thời nắm tình hình trong Nhân dân, người có uy tín còn giúp bà con phân biệt thông tin đúng, thông tin bịa đặt, đấu tranh hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, lợi dụng hoạt động mang màu sắc tâm linh, tôn giáo trái phép hòng chống phá Đảng, chống phá Nhà nước. Họ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ cơ sở thông qua việc đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật bằng nhiều cách thức, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, từng cộng đồng, từng dân tộc.
Theo ông Vũ Trọng Khuynh, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh, trong đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó đội ngũ người có uy tín giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Khả năng dẫn dắt cộng đồng nghe và làm theo cho thấy tầm ảnh hưởng và vai trò đặc biệt của đội ngũ này. Theo đánh giá, trong thời gian qua, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Đóng góp vào kết quả này có vai trò của người có uy tín trên địa bàn.
Trình bày: Khánh Ly