Yên Bái: Hiệu quả thiết thực từ Chương trình FFF

Mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được triển khai và nhân rộng thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ đang tạo nên những luồng sinh khí mới trong sản xuất, góp sức không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo cho người dân tại nhiều vùng quê của tỉnh Yên Bái.
Được triển khai từ năm 2020, FFF là mô hình đang đạt được hiệu quả tích cực, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà các cơ chế, chính sách liên quan tới các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã được thúc đẩy thuận lợi hơn; khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên… 
Đi thực tế tham quan mô hình phát triển rừng gỗ lớn, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp của Hội Nông dân, THT, HTX tại các xã: Tân Đồng, Đào Thịnh (Trấn Yên), Tân Nguyên, Phú Thịnh (Yên Bình), chúng tôi cảm nhận rõ nét tính hiệu quả và lan tỏa từ mô hình kiểu mẫu mà Chương trình FFF đang thúc đẩy. 
Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân (HND) tỉnh, Phó Ban quản lý Chương trình FFF II cho biết: "Mô hình nông nghiệp hữu cơ, trồng cây gỗ lớn, nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả rất tốt cho bà con nông dân tại các cơ sở. Đặc biệt, từ những hội viên HND, thành viên THT, HTX, những cách làm hay, sáng tạo từ chương trình FFF đã lan tỏa sang cả bà con chưa vào THT, HTX; bà con đã thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người nên ngày càng có nhiều người đồng hành, muốn tham gia vào chương trình. Đây chính là sự lan tỏa mà FFF hướng đến”.
Được biết, từ năm 2021 - 2022, tại địa bàn 5 tỉnh thực thi Chương trình FFF II (Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La và Thái Nguyên), đã có 876 THT chính thức, 1.375 hộ thành viên liên kết được thành lập. Chương trình đã tổ chức 7 cuộc hội thảo tập huấn tại 4 tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội và thành viên THT, HTX về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp giảm thiểu, thích ứng trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tham quan học tập các mô hình thành công; xây dựng 3 mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào cộng đồng, nhóm hộ trồng rừng, giao rừng cho cộng đồng dân cư tại tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn, tổng diện tích 357ha. 
Qua đó, chương trình đã giúp các thành viên tham gia tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng; hỗ trợ 19 THT, HTX xác định, duy trì, phát huy các dịch vụ văn hóa xã hội cho thành viên… 
Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh - một trong những xã được hưởng lợi từ Chương trình FFF II chia sẻ: "Quả thật, đối với Đào Thịnh, Chương trình FFF đã góp sức rất lớn trong việc xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Trấn Yên. Từ khi tham gia chương trình, toàn bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương đã có cái nhìn rất khác, tư duy có chiều sâu hơn trong làm kinh tế, gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần và môi trường. Đối với các THT, HTX, họ dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm, sự hợp tác, các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị…”. 
Một điều rất dễ nhận thấy là qua tham gia Chương trình FFF, năng lực và kỹ năng cán bộ HND các cấp đang từng bước được nâng cao. Từ đó, họ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các THT, HTX cũng như hội viên nông dân. Chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan cũng có được sự phối hợp chặt chẽ hơn, có nhiều cơ hội làm việc với nông dân, HND; nghe tiếng nói trực tiếp của nông dân. 
Đặc biệt hơn, Chương trình đã nâng cao năng lực cho THT, HTX sản xuất rừng và trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả. Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, đồng thời giúp các HTX, THT khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng. 
Ông Hoàng Xuân Long khẳng định thêm: "Chương trình FFF II đã khẳng định liên kết 6 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối) là rất quan trọng. Trong mối liên kết này, liên kết "nhà nông” - liên kết các hộ nông dân với nhau, các THT, HTX là mấu chốt nhất. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của HND cũng như Chương trình FFF đang nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây”.
Thiên Cầm
fb yt zl tw