Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News

Vượt qua nỗi sợ để thành công với mô hình nuôi cá nước lạnh

1.jpg

Năm 2020, thanh niên “9x” Lý Láo Tả ở thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng (Bát Xát) đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng để đầu từ mô hình nuôi cá nước lạnh. Đây là khoản tiền lớn đối với chàng trai chỉ mới 21 tuổi. Điều thôi thúc ý chí của anh chính là vượt qua “nỗi sợ”.

Lý Láo Tả sinh năm 1999, dân tộc Dao. Bố mẹ anh đều làm nghề nông. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tả quyết định đi học nghề cắt tóc. Đến năm 2018, anh trở về quê và mở tiệm cắt tóc gần trụ sở UBND xã Dền Sáng. Với đôi tay khéo léo, tiệm tóc của anh Tả nhanh chóng thu hút khách, những người trẻ hoặc kể cả người già đều thích đến quán của anh cắt tóc.

4.jpg

Công việc cắt tóc giúp anh Tả có thu nhập ổn định, thậm chí là mơ ước với nhiều bạn trẻ vùng cao cùng trang lứa. Thế nhưng, trong lòng anh Tả muốn có sự thay đổi, muốn trở về nơi mình sinh ra để khởi nghiệp. Nhiều đêm đấu tranh suy nghĩ, anh Tả quyết định nghỉ cắt tóc sau 2 năm hành nghề. Anh Tả vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng cùng với 70 triệu đồng bản thân tích góp được để đầu tư làm mô hình nuôi cá nước lạnh.

Thực ra bố mẹ anh Tả đã nuôi cá nước lạnh từ lâu, là một trong những trang trại đầu tiên ở Dền Sáng, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ với vài bể nuôi. Ngày anh Tả trở về và bày tỏ ý định muốn đầu tư mở rộng mô hình lớn hơn nhưng bố mẹ can ngăn, khuyên con an phận với nghề cắt tóc, bởi nghề nuôi cá rất nhiều rủi ro, không ít chủ trại cá mất trắng chỉ sau một đêm do mưa lũ, kèm theo khoản nợ khó có thể trả.

2.jpg

Nhưng anh Tả quyết tâm và đưa ra lập luận, kiến thức mình đã học được từ những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm, cá hồi ở Sa Pa, Bát Xát. Thậm chí, anh đã cất công vào tận Lâm Đồng học kỹ thuật nuôi mới. Ý chí quyết tâm không sợ thất bại đã thuyết phục được bố mẹ để anh phát triển mô hình.

Và rồi, 4 bể cá đầu tiên được xây dựng trong niềm vui của chàng trai trẻ, nhưng chẳng tày gang. Năm đầu tiên thực hiện mô hình, trang trại nuôi của anh Tả không những không có lãi mà còn gánh thêm khoản nợ 70 triệu đồng. Anh Tả sâu chuỗi lại quá trình nuôi cá, đặt ra trong đầu những câu hỏi: Tại sao mình nuôi cá lại thất bại? Liệu có phải do nước đục? Có phải thiếu ô xy?.

Thế rồi, bố mẹ giúp anh tìm ra nguyên nhân, vấn đề chính là nguồn nước, khí hậu nắng nóng cực đoan, nhiệt độ không còn trong phạm vi lý tưởng nên cá sinh bệnh. Do tiếc cá, anh Tả nghĩ chủ quan, để những con cá bị nhược, yếu chung với đàn cá khỏe mạnh, khiến cá chết hàng loạt. Mặt khác, việc cho cá ăn quá nhiều mà không tính đến thức ăn dư thừa, tan ra trong nước khiến nguồn nước bị ô nhiễm, làm cá chết. Bức tranh “màu hồng” về viễn cảnh làm giàu nhanh chóng từ cá nước lạnh bỗng chốc tan biến. Lý Láo Tả cảm thấy sợ, nhưng không tuyệt vọng, bởi vẫn có mẻ cá thành công, mặc dù cá không đạt trọng lượng, kích thước như mong muốn. Anh Tả tự sốc lại tinh thần, suy nghĩ rất nhiều và quyết định tiếp tục gắn bó với cá nước lạnh.

3.jpg

Năm thứ 2, anh chịu khó học hỏi, lắng nghe ý kiến của mọi người. Anh Tả khăn gói sang tận Trung Quốc, dành cả tháng trời học hỏi kinh nghiệm nuôi, phòng bệnh của những chủ trang trại cá tầm, cá hồi ở tỉnh Vân Nam. Trở về anh bắt tay vào làm lại mô hình. Anh chú trọng hơn trong việc xử lý đầu vào nguồn nước, luôn theo dõi độ lạnh, độ kiềm và lượng ô xy trong nước. Cuộc sống hằng ngày của anh chỉ là câu chuyện xung quanh những bể cá. Đêm đến, anh lại lên mạng tìm hiểu thêm thông tin kỹ thuật nuôi cá nước lạnh và tìm đầu ra cho cá.

Dần dần, mô hình đi vào ổn định đến cuối năm thứ 2 anh Tả đã có lãi, không xảy ra hiện tượng cá chết không rõ nguyên nhân. Có tiền lãi, anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình. Năm thứ 3, sản phẩm cá nước lạnh trang trại của anh Tả tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đặt mua với số lượng lớn. Anh Tả lại tiếp tục dùng số tiền lãi để mở rộng mô hình, lắp đặt thêm hệ thống mái che làm mát cho bể cá...

Sau 4 năm gắn bó với mô hình cá nước lạnh, quyết tâm của chàng trai trẻ đã đến ngày hái quả ngọt, từ 4 bể nuôi ban đầu đã mở rộng lên 26 bể. Trang trại duy trì từ 30.000 - 40.000 con cá theo hình thức nuôi gối. Năm vừa qua, anh Tả xuất bán 50 tấn cá nước lạnh, doanh thu hơn 8,5 tỷ đồng. Bạn hàng của anh ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Bắc, đặc biệt đã cung cấp hàng ổn định cho thương lái 2 chợ đầu mối lớn ở Hà Nội là Long Biên và Yên Sở. Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Tả khẳng định đó chính là vượt qua nỗi sợ: Như mọi người đã biết, nuôi cá nước lạnh như con dao 2 lưỡi, nếu thành công thì mang lại giá trị kinh tế rất cao, nhưng khi thất bại thì cũng phải trả cái giá rất đắt. Tôi cũng từng thất bại, nhưng điều quan trọng là phải vượt qua nỗi sợ và đặt niềm tin vào chính mình.

Ca 1.jpg

Anh Tả không chỉ là thanh niên vượt khó làm giàu mà còn rất năng động trong công tác đoàn thanh niên. Năm 2023, anh tham gia Cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức với mô hình nuôi cá nước lạnh của mình và đã xuất sắc đi đến vòng chung kết toàn quốc, giành giải Khuyến khích. Hiện tại, Lý Láo Tả còn đảm nhận cương vị Bí thư Chi đoàn Thanh niên thôn Dền Sáng. Đầu năm 2024, anh Tả thành lập tổ hợp tác với 5 chủ mô hình là đoàn viên, thanh niên tham gia nhiều mô hình kinh tế như chủ homestay, nhà hàng, nuôi cá nước lạnh cùng giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và kinh doanh.

Tả chia sẻ, thời gian tới sẽ tạm thời dừng lại quy mô như hiện tại và hướng tới việc chế biến nhiều sản phẩm từ cá nước lạnh như cá khô, cá hun khói, hướng đến xây dựng các sản phẩm OCOP và phát triển thị trường bán các sản phẩm đi toàn quốc.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lược sử về tuyến giao thương Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam

Lược sử về tuyến giao thương Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam

Cách đây hơn 150 năm từ khi Đuyprê (dupre) Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tìm ra tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa từ Cửa Cấm (Hải Phòng) vào Hà Nội và ngược sông Hồng lên Lào Cai sang Vân Nam (Trung Quốc). Từ đó đến nay, dòng sông Hồng có vai trò quan trọng trong kết nối hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Khẩn trương rà soát, báo cáo dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia

Khẩn trương rà soát, báo cáo dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia.

[Ảnh] "Người nhện" đem quả ngọt xuống núi

[Ảnh] "Người nhện" đem quả ngọt xuống núi

Vùng trồng dứa Mường Khương đang vào vụ thu hoạch quả. Dứa ở đây thường được trồng ở núi cao nên việc thu hoạch, vận chuyển cực kỳ gian khổ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vào mùa thu hoạch dứa, thường những nam thanh niên sẽ đảm nhận công việc này. Trên lưng gùi hơn 100kg quả dứa, tay chống gậy bám chặt sườn núi dốc dựng đứng, họ không khác gì "người nhện" oằn lưng đem quả thơm xuống núi.

Sức vươn Việt Tiến

Sức vươn Việt Tiến

Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Việt Tiến là một trong những xã “về đích” sớm chương trình này, mang lại diện mạo mới, khang trang cho vùng đất trù phú bên dòng sông Chảy, phía Nam của huyện Bảo Yên.

Từ "con đường tơ lụa" trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế "chung một dòng sông"

Từ "con đường tơ lụa" trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế "chung một dòng sông"

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, có nhiều “con đường tơ lụa” được nhắc đến hiện nay, như tuyến đường thương mại Đông - Tây giữa Hy Lạp và Trung Quốc bắt đầu mở trong thế kỷ I và II TCN; hay “con đường tơ lụa” chính đi từ thủ đô của Trung Quốc qua Trung Á đến châu Âu... Và có một “con đường tơ lụa” nổi tiếng trên sông Hồng vẫn chảy suốt từ thời cổ đại đến hôm nay, đang trở thành “con đường tơ lụa” trong thời đại mới.

Tạo cơ sở hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Dự án Cầu đường bộ qua sông Hồng Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc): Tạo cơ sở hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Khu vực biên giới giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từ lâu đã được xem là một trong những điểm kết nối kinh tế, văn hóa và giao thương quan trọng giữa hai nước. Trong đó, các cây cầu biên giới đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kinh tế biên mậu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

fb yt zl tw