Em La Trung Hiếu, học sinh lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai hiện là “mì chính cánh” của Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp với 10 thành viên là học sinh của 3 khối lớp đang học văn hóa tại đây. Với sự yêu thích cũng như nhận thấy bản thân có năng khiếu về nghề làm đẹp và chăm sóc sắc đẹp, La Trung Hiếu (dân tộc Tày ở thôn Dạ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai) đã mạnh dạn đăng ký tham gia câu lạc bộ này. Ban đầu, Hiếu “vấp” phải không ít trở ngại từ phía gia đình, bạn bè vì cho rằng đây là nghề “không nam tính”, chỉ dành cho nữ giới. Bố mẹ của Hiếu lúc đầu cũng phản ứng dữ dội về việc Hiếu tham gia… làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp. Nhưng rồi, đam mê của Hiếu đã vượt qua mọi trở ngại.
Học nghề, rồi được thực hành, trải nghiệm thực tế khiến Hiếu càng thấy mình chọn hướng đi đúng. Là thành viên nam duy nhất của Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp nhưng Hiếu lại được đánh giá là có bàn tay “vàng” bởi sự tỉ mẩn và khéo tay. Không chỉ học nghề và tham gia dịch vụ của câu lạc bộ, Hiếu còn dành thời gian hướng dẫn các bạn mới, các bạn có tay nghề chưa vững… Vừa học vừa khởi nghiệp không chỉ rèn nghề mà còn mang lại thu nhập từ chính công sức của bản thân đã khích lệ các em yêu thích và chăm chỉ học nghề hơn.
La Trung Hiếu tâm sự: Sau khi được học nghề tại trung tâm, đặc biệt là sau khi tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp, em rất yêu thích nghề tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp. Em mong sau khi tốt nghiệp văn hóa sẽ tiếp tục được đào tạo chuyên sâu về ngành tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp. Quá trình học tập, em vẫn duy trì nghề “tay trái” để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nâng cao tay nghề.
Không giống như La Trung Hiếu, Vi Thị Mơ (dân tộc Giáy, thôn Kíp Tước, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai) ban đầu chỉ là cô bé được mời làm “mẫu” thực hành cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp tại trung tâm, sau đó được các thành viên trong câu lạc bộ “truyền lửa”, Mơ mới mạnh dạn đăng ký vào trung tâm học tập và trở thành thành viên tích cực của câu lạc bộ. Hiện tại, em học lớp 10 của trung tâm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mỗi ngày vượt quãng đường cả chục cây số đến trung tâm học nghề không dễ dàng với Vi Thị Mơ. Thế nhưng, từ khi tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp, Mơ được tham gia làm dịch vụ sơn móng, gội đầu, nối mi… nên em có thêm khoản tiền nhỏ phụ giúp gia đình cũng như phục vụ việc học tập của bản thân.
Cũng là học sinh dân tộc thiểu số, em Vi Thị Yến Nhi và em Vàng Thanh Trà (xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai) và hầu hết học sinh rất hào hứng và thấy hữu ích khi học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai và được tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp. Việc được học tập và thực hành sớm nghề mình được đào tạo giúp các em định hình rõ về con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Chị Phạm Thị Diệu Ly, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp cho biết: Câu lạc bộ vừa là nơi thực hành nghề, vừa là sân chơi để học sinh thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê, nâng cao tay nghề. Khi tham gia câu lạc bộ, chủ yếu các em được thực hành trên mẫu, truyền đạt kiến thức theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, giúp các em tự tin hơn với nghề và khi tốt nghiệp, cơ hội tìm việc sẽ rộng mở hơn.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai đã liên kết với Trường Trung cấp cộng đồng Hà Nội mở 3 lớp trung cấp nghề tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp cho 105 học sinh đang học văn hóa kết hợp với học nghề. Từ việc liên kết với Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội, trung tâm đã có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp chăm sóc sắc đẹp - là nơi cho các em thực hành nghề và làm quen dần với khởi nghiệp.
Bà Vũ Tuyết Nhung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai cho biết: Buổi sáng, học sinh học văn hóa, buổi chiều học nghề và làm dịch vụ phục vụ khách hàng có nhu cầu làm đẹp tại nhà (sơn móng, nối mi, massage, spa…). Số tiền các thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp làm được sẽ trích một phần vào quỹ chung để học các modul nâng cao hoặc mua nguyên - vật liệu thực hành, hướng dẫn các bạn có tay nghề yếu; còn một phần để các em tự phục vụ nhu cầu cuộc sống của mình, giảm bớt khó khăn cho gia đình, nhất là với các gia đình dân tộc thiểu số.