Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc Volker Turk. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ
Hội đồng Nhân quyền LHQ đã hoàn thành chương trình Khóa họp 55 với khối lượng công việc nhiều và thời gian họp dài kỷ lục, trong bối cảnh nhân loại vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược, cuộc chiến ở Ukraine, xung đột Hamas-Israel, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước và nhiều bất công xã hội khác. Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa này đã tổ chức thành công phiên họp cấp cao; 7 phiên thảo luận chuyên đề - về phổ cập quyền con người, chống hận thù tôn giáo dẫn đến kích động phân biệt, thù địch, bạo lực, các thách thức và thực tiễn tốt để bảo đảm quyền an sinh xã hội và cung cấp dịch vụ công chất lượng, quyền người khuyết tật; 2 phiên thảo luận về quyền trẻ em; kỷ niệm Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc; những phiên thảo luận, đối thoại với khoảng 36 thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của LHQ; những phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại các nước trên thế giới.
Tại Khóa họp, Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã xem xét, thảo luận khoảng 80 báo cáo; tham vấn, xem xét thông qua 32 dự thảo Nghị quyết chuyên đề; thông qua các báo cáo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về Quyền con người (UPR) của 14 quốc gia; thông qua quyết định hoãn một số hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và về hình thức họp kết hợp trực tuyến với trực tiếp.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham dự Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền LHQ trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Trong phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định các quyền con người chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng, Nhà nước đặt người dân vào trung tâm của mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Bộ trưởng khẳng định lại các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Để tiếp tục có những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em… Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại biểu của các nước, đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Nhân quyền trong công tác tham vấn, bỏ phiếu thông qua 32 dự thảo nghị quyết và 2 quyết định của Hội đồng Nhân quyền.
Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam đã có phát biểu chung về chủ đề được các nước ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ ở lĩnh vực khai thác thủy sản và bảo đảm quyền lương thực. Việt Nam cũng phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu - bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines - trong phiên đối thoại liên quan báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực. Ngoài ra, thay mặt nhóm liên khu vực, Việt Nam đã trình bày 2 bài phát biểu chung với sự đồng bảo trợ cao của các nước với nội dung kêu gọi đẩy nhanh tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững để thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân trong xung đột vũ trang.
Trong các phát biểu, đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong công cuộc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân; nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương; kêu gọi giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ quyền con người trong xung đột vũ trang; khẳng định cam kết của Việt Nam tăng cường hợp tác một cách xây dựng với các quốc gia, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo đảm chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.