Gia đình bà Bàn Thị Dân ở bản 3 Vành đã nuôi dê nhiều năm nay. Ban đầu, gia đình bà mua 25 con dê giống về nuôi, sau đó tự gây giống, đến nay đàn dê đạt 100 con. Với giá bán ổn định 150.000 đồng/kg dê hơi, đàn dê mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Bà Bàn Thị Dân chia sẻ: Gia đình tôi từng chăn nuôi lợn nhưng rủi ro lớn, có năm mất trắng. Sẵn diện tích vườn rừng rộng nên hai vợ chồng quyết định đầu tư nuôi dê, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ các loại lá cây để chăn nuôi. Nuôi dê ít bị bệnh hơn các loại vật nuôi khác. Chủ yếu chúng tôi phòng bệnh và chữa bệnh cho đàn dê theo kinh nghiệm dân gian mà các cụ truyền dạy.
Cũng như gia đình bà Bàn Thị Dân, nhiều hộ ở xã Xuân Thượng cũng lựa chọn con dê để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Các thôn tập trung nhiều hộ nuôi dê nhất là bản Vành 1, 2, 3, 4, 5, 6 và Thâu 1, 2, 3.
Không có truyền thuyết hay chuyện kể về con dê xuất hiện đầu tiên trên đất Xuân Thượng như thế nào nhưng theo lời của Bí thư Đảng ủy xã Lương Văn Soái - người sinh ra và lớn lên ở đất Xuân Thượng - thì từ nhiều đời nay, người dân địa phương đã biết nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình.
Con dê có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế - xã hội đối với người dân xã Xuân Thượng. Ở Xuân Thượng, mỗi gia đình có con cái lấy vợ, gả chồng, ra ở riêng đều được bố mẹ cho 1 cặp dê để “khởi nghiệp” hoặc làm của hồi môn. Trong các ngày lễ lớn, mâm cỗ trang trọng phải có dê thiến. Hay trong văn hóa ẩm thực của người dân địa phương, thịt dê được chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng.
Trước đây ở Xuân Thượng, diện tích đồi rừng lớn, người nuôi chăn thả dê ngoài tự nhiên. Kinh nghiệm để dê không lạc đàn là treo ống muối ở cửa chuồng, dê ăn muối nhớ vị sẽ tự biết đường về.
Sau này, diện tích đồi rừng không còn nhiều, người dân Xuân Thượng lại nuôi dê theo hình thức bán chăn thả. Dựng chuồng dê không cần đầu tư nhiều, chủ yếu người dân làm chuồng dê từ nguyên liệu tre, nứa, lá cọ sẵn có. Dê không kén thức ăn, chúng có thể ăn tất cả các loại lá sẵn có trong tự nhiên.
Dê còn có đặc tính sinh sản nhanh, mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con. Dê là động vật đoàn kết và sinh hoạt ăn, ngủ theo đàn. Dê rất sợ mưa, cứ trời sắp nổi dông, nếu ăn ở gần thì chúng sẽ chạy về chuồng, dê thả núi thì chui vào hang động trú ẩn. Dê không sợ rắn và chẳng lúc nào lạc đàn nhưng lại sợ... sên vắt.
Để nuôi dê có sức khỏe và sinh sản tốt phải biết 3 điều kiêng: kiêng tắm, kiêng thức ăn ngấm nước mưa, kiêng chăn thả dê ở những vùng núi rừng có sên vắt…
Theo nhiều hộ chăn nuôi dê, dê con từ lúc dứt sữa (trọng lượng khoảng 13 - 15 kg/con) nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng 25 - 30 kg và được xuất bán lấy thịt. Gần đây, dê thịt loại 20 - 25 kg/con có giá bán lên tới 140.000 - 150.000 đồng/kg, còn dê thịt loại 30 - 38 kg/con có giá 115.000 - 120.000 đồng/kg, dê từ 40 kg/con có giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Từ giá trị kinh tế con dê đem lại, xã Xuân Thượng chủ trương xếp dê trở thành một trong những vật nuôi chủ lực của địa phương cùng với các loại trâu, lợn đen bản địa. Từ truyền thống nuôi dê, không ít hộ gia đình địa phương thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ chăn nuôi dê thương phẩm.