Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục kinh tế động lực “chung dòng sông cùng ý tưởng”: Bài 2: Những thương cảng trên sông Hồng

Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục kinh tế động lực “chung dòng sông cùng ý tưởng”: Bài 2: Những thương cảng trên sông Hồng

Sông Hồng - con sông gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền văn minh người Việt, không chỉ là huyết mạch giao thông quan trọng mà còn từng chứng kiến sự hưng thịnh của nhiều thương cảng sầm uất. Những bến cảng trên sông Hồng đã góp phần thúc đẩy giao thương, kết nối kinh tế và làm nên diện mạo của các đô thị ven sông từ hàng trăm năm trước.

b1.jpg

Bảo Thắng Quan được biết đến là một trong những cửa ngõ quan trọng phát triển giao thương trên sông Hồng. Ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, Bảo Thắng Quan đã trở thành điểm nút giao thương, nơi mà hàng hóa từ vùng núi cao và các vùng biên giới được tập kết để chuyển xuống đồng bằng. Bảo Thắng quan được xem là "cửa ngõ" quan trọng Bắc giới, là nơi kiểm soát tuyến đường giao thương và quân sự từ Trung Hoa xuống Đại Việt.

16.jpg

Theo sử liệu, một khối lượng lớn những hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn được phát hiện ở thượng nguồn sông Hồng, nhất là khu vực đô thị Lào Cai ngày nay. Thời Hùng Vương dựng nước, các dân tộc sinh sống trên địa bàn đã phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi và các nghề thủ công như dệt vải, đúc đồng. Họ trao đổi với các dân tộc bên kia biên giới bằng hình thức vật trao đổi vật. Chính sử Trung Quốc đã ghi “Dân biên giới Giao Chỉ đem cá, hến đổi lấy gạo, vải tấm...”.

18.jpg

Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, Bảo Thắng Quan còn là nơi kiểm soát thương mại, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế biên giới. Bảo Thắng Quan là một trạm trung chuyển quan trọng trên con đường giao thương từ Trung Hoa vào Đại Việt. Thời Lê Trung Hưng (1870), khu cửa khẩu Lão Nhai (tên gọi xưa của Lào Cai) đã thu thuế muối xuất cho nước Điền (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) mỗi năm trên 1.000 lạng bạc. Thời Tây Sơn, mỗi năm Bảo Thắng Quan thu 2.000 lạng bạc. Năm Gia Long thứ 18 có mức thu 42.100 quan tiền, chỉ đứng sau cửa quan Trình Xá và cửa quan Mễ Sở. Hàng hóa như tơ lụa, gốm sứ, trà, gia vị được trao đổi tại đây, tạo nên một vùng kinh tế nhộn nhịp và sự giao thoa văn hóa sâu rộng. Các thương nhân Trung Hoa, người Nùng, Tày, Kinh đã tổ chức nhiều phiên chợ, góp phần hình thành những trung tâm thương mại sầm uất và các phong tục độc đáo. Những đoàn thuyền chở đầy lâm sản, thảo dược quý và khoáng sản từ các vùng cao nguyên được tập kết để trao đổi với hàng hóa phong phú từ đồng bằng sông Hồng.

29.jpg

Thời nhà Nguyễn, nhờ đẩy mạnh giao lưu buôn bán dọc sông Hồng, thuế quan qua Lão Nhai tăng mạnh. Bảo Thắng Quan trở thành cửa khẩu lớn thứ ba của cả nước, có tuần ty trông nom công việc thu thuế hằng năm.

17.jpg

Trải qua bao biến cố lịch sử, dấu tích ít nhiều Bảo Thắng Quan đã mai một. Ngày nay, những dấu tích cố thủ đặc trưng như những bãi thành đá, các trạm gác đã không còn. Tuy nhiên, với những gì còn lại, Bảo Thắng Quan vẫn là một dấu ấn lịch sử để nhớ về một thời hoàng kim.

b-2.jpg

Vùng đất Bạch Hạc (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vẫn được xem là nơi giao thoa giữa những dòng sông huyết mạch, nơi hội tụ của văn hóa và thương nghiệp từ thời kỳ cổ xưa. Với vị trí chiến lược tại ngã ba sông, nơi đây từng là một thương cảng sầm uất, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng miền núi trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

21.jpg

Nói về sự am hiểu vùng đất Bạch Hạc, nhiều người mách chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Điền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ giai đoạn 2003 - 2005, người đã chứng kiến quá trình xây dựng và phát triển Phú Thọ từ những ngày đầu tái lập. Gia đình ông Điền hiện đang sinh sống tại chính phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.

20.jpg

Nói đến Bạch Hạc, điều đầu tiên ông Điền không thể không nhắc tới đó chính là nơi “Tam giang hội tụ” khi sông Lô, sông Đà và sông Hồng gặp nhau tại Bạch Hạc. Từ Bạch Hạc nhìn về phía Đông Nam, bên tả là dãy Tam Đảo trùng điệp, bên hữu là dãy núi Ba Vì tạo nên thế “sơn chầu, thủy tụ”. Vì vậy, Bạch Hạc trở thành địa điểm có vị trí chiến lược từ xưa đến nay: “Thương cảng Bạch Hạc nằm trên con đường thủy quan trọng bậc nhất của Đại Việt xưa. Nơi đây là giao điểm của ba dòng sông lớn, tạo nên một mạng lưới giao thương sôi động và phồn vinh”, ông Điền nói.

Nơi tam giang hội tụ.

Từ xa xưa, bến sông Bạch Hạc đã nổi tiếng với những phiên chợ đông đúc, nơi mà thương nhân từ khắp các vùng miền hội tụ để trao đổi hàng hóa. Từ vùng cao Tây Bắc, các sản vật quý như gỗ, lâm thổ sản, quế, bạc, vàng… theo thuyền bè xuôi theo các dòng sông về Bạch Hạc, rồi từ đây tiếp tục tỏa đi khắp kinh thành Thăng Long và các vùng châu thổ sông Hồng. Ngược lại, hàng hóa từ đồng bằng như muối, vải vóc, đồ gốm sứ, nông sản cũng theo đường thủy ngược lên vùng cao, phục vụ đời sống người dân miền thượng du. Điều đặc biệt, không chỉ thương nhân trong nước, mà các thương nhân từ Trung Quốc, Ấn Độ và cả châu Âu cũng đã từng đặt chân tới Bạch Hạc, biến nơi đây trở thành một trong những thương cảng có tầm vóc quốc tế trong lịch sử Việt Nam.

19.jpg

Vào thời Lý – Trần, Bạch Hạc đã phát triển thành một thương cảng lớn với nhiều bến bãi, khu chứa hàng hóa, chợ phiên tấp nập kẻ mua người bán. Những đoàn thuyền buôn ngược xuôi trên sông Hồng, sông Lô, sông Đà đã tạo nên một bức tranh sôi động của kinh tế và giao thương. Sang thời Hậu Lê và nhà Nguyễn, thương cảng Bạch Hạc vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng dần chịu sự cạnh tranh từ các trung tâm buôn bán mới nổi như Kẻ Chợ (Hà Nội), Hải Phòng, Nam Định. Dù vậy, trong suốt nhiều thế kỷ, Bạch Hạc vẫn là điểm dừng chân quan trọng trên hành trình giao thương của thương nhân vùng đồng bằng và miền núi.

Trong dòng chảy thương mại thời phong kiến, cảng Bạch Hạc không chỉ đóng vai trò là cửa ngõ giao thương giữa miền núi và đồng bằng, mà còn là điểm dừng chân của các thương nhân trên con đường từ biên giới về kinh thành Thăng Long (Hà Nội).

b-3.jpg

Từ bao đời nay, vai trò quan trọng của sông Hồng đối với đời sống cư dân đôi bờ chốn kinh đô nước Việt – Kinh thành Thăng Long. Nhân dân đã được đúc kết thành kinh nghiệm: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Vì vậy, ngay từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010, sông Hồng đã trở thành một tuyến đường vận tải chiến lược, nối liền kinh thành với các vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, xa hơn nữa là Trung Quốc, Chăm Pa và các quốc gia Đông Nam Á.

22.jpg

Đã có hơn 20 năm nghiên cứu về lịch sử kinh thành Thăng Long, vì vậy, nhà báo, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến am hiểu mọi ngóc ngách về chốn kinh đô sầm uất xưa: “Với sông Hồng đóng vai trò là "con đường tơ lụa trên nước", nơi mà những sản vật quý giá như lụa tơ tằm, đồ gốm sứ, nông sản (gạo, chè, vừng, mía đường...), hương liệu, dược liệu từ miền núi phía Bắc và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trao đổi, buôn bán sôi động. Những mặt hàng này không chỉ phục vụ đời sống dân chúng mà còn được triều đình sử dụng trong các nghi lễ, cống phẩm và thương mại quốc tế”, ông Tiến chia sẻ.

tuyen-bai-song-hong.jpg

Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, bến sông Hồng từng là nơi tập trung những chợ đầu mối lớn, như bến Đông Bộ Đầu, bến Chương Dương, nơi các thương nhân gặp gỡ, trao đổi và buôn bán tấp nập. Những thương nhân từ miền ngược xuôi về với thổ sản, lâm thổ sản quý hiếm. Thương nhân miền xuôi mang theo cá, muối, hải sản... Còn các tàu buôn ngoại quốc chở đến hàng hóa từ phương Tây và phương Đông, tạo nên một mạng lưới giao thương sầm uất.

24.jpg

Chính nhờ sông Mẹ, Thăng Long – Kẻ Chợ mới có thể vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế bậc nhất của Đại Việt. Từ những chợ ven sông, hoạt động buôn bán lan rộng khắp kinh thành Thăng Long, hình thành nên những phố nghề - phố hàng bốn mùa tấp nập. Từ đó, những Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm...ra đời. Chốn kinh thành không khó bắt gặp những phiên chợ tấp nập, nơi mà lụa là, gấm vóc trải dài theo bước chân của thương nhân, góp phần hình thành lên văn hóa “buôn có bạn, bán có phường”.

23.jpg

Với vị trí chiến lược nằm ở đồng bằng sông Hồng, Thăng Long đã trở thành nơi tập trung của hàng nghìn thương nhân, không chỉ từ các vùng miền trong nước mà còn từ các quốc gia lân bang như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Sông Hồng đóng vai trò huyết mạch, kết nối Thăng Long với các vùng miền rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa từ nội địa ra các bến cảng ven biển. Sông Hồng không chỉ là huyết mạch về địa lý mà còn là dòng chảy phồn vinh của nền kinh tế Đại Việt suốt nhiều thế kỷ. Đặc biệt, tại kinh thành Thăng Long, thương mại trên sông Hồng phát triển rực rỡ, góp phần biến nơi đây trở thành trung tâm giao thương sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

b-4.jpg

Nói về sông Hồng, điều đầu tiên mà Giáo sư Sử học Lê Văn Lan khẳng định đó chính là dòng sông kiến tạo nền văn minh đất nước ta qua hàng nghìn năm. Trước sự hùng vĩ của sông Hồng, người Việt đã dùng những danh xưng cao quý nhất để gọi dòng sông này nhằm thể hiện sự kính trọng và tôn quý như sông Cái (sông Mẹ), sông Cả (sông Lớn), rồi đồng nhất là sông Hồng.

25.jpg

Nhìn vào lát cắt lịch sử giao thương trên sông Hồng, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chỉ ra rằng nguồn nước mang nặng phù sa tạo nên những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, làng nghề truyền thống suốt một dải từ miền núi đến đồng bằng. Và chính sông Hồng ấy cũng là con đường thông hành đầu tiên và ngắn nhất để chở hàng đi ngược, đi xuôi. Từ đó, đã dần hình thành tuyến đường giao thương huyết mạch quan trọng của nước ta qua nhiều thế kỷ.

28.jpg

“Con đường tơ lụa” trên sông Hồng không chỉ là câu chuyện về giao thương và kinh tế, mà còn là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa, tín ngưỡng và tinh thần giữa các vùng miền. Từ Bảo Thắng Quan, Bạch Hạc, Thăng Long đến Phố Hiến, Thái Bình, mỗi địa danh trên con đường tơ lụa này đều mang trong mình những câu chuyện riêng về sự phát triển thịnh vượng của đất nước qua nhiều thời kỳ.

31.jpg

Từ thế kỷ XIX, khi các tuyến đường bộ và đường sắt dần phát triển, vai trò của các thương cảng trên sông Hồng suy giảm. Nhiều bến cảng sầm uất xưa giờ chỉ còn là những dấu tích trong ký ức. Dù vậy, những di sản mà các thương cảng này để lại vẫn còn hiện diện trong nếp sống, văn hóa và kiến trúc của nhiều đô thị ven sông. Phố Hiến vẫn còn đó những ngôi nhà cổ rêu phong, Nam Định, Thái Bình vẫn vang vọng tiếng thoi dệt vải. Thăng Long (Kẻ Chợ) nay là Hà Nội – vẫn tiếp tục là trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước. Dòng sông Hồng vẫn tiếp tục chảy, mang theo những dấu ấn lịch sử không phai mờ.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nói về tên sông Hồng.

Dù thời gian có làm mờ nhạt đi sự nhộn nhịp của những bến sông xưa, nhưng ký ức về một thời giao thương phồn thịnh vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc. Những bến bờ xưa dù có thay đổi, nhưng câu chuyện về “con đường tơ lụa” trên sông Hồng vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển và vươn ra thế giới của đất nước.

30.jpg

Hành trình tìm lại những dấu tích của các thương cảng trên sông Hồng không chỉ là cuộc hành trình về lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của sự giao thương và hội nhập trong quá khứ, để từ đó có thể phát huy tiềm năng của dòng sông này trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mỹ áp thuế 50% với đồng nhập khẩu: Tác động không đáng kể tới thị trường trong nước

Mỹ áp thuế 50% với đồng nhập khẩu: Tác động không đáng kể tới thị trường trong nước

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc áp thuế 50% đối với tất cả mặt hàng đồng nhập khẩu vào Mỹ sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ trên thị trường hàng hoá toàn cầu; đặc biệt là tại Mỹ, nơi tâm lý lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn đã thúc đẩy làn sóng tích trữ đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giới chuyên môn nhìn nhận xu hướng tăng thuế từ phía Mỹ không gây ra những lo ngại đáng kể.

Thung lũng hạnh phúc của người Pa Dí

Thung lũng hạnh phúc của người Pa Dí

Cách đây hơn 80 năm, một số hộ dân người Pa Dí từ xã Tung Chung Phố (nay thuộc xã Mường Khương) di chuyển xuống thôn Bản Sinh, xã Lùng Vai (nay thuộc xã Bản Lầu) lập nghiệp. Đến nay, Bản Sinh đã có hơn 70 hộ dân, trong đó có gần 50 hộ người Pa Dí. Vượt qua muôn vàn gian khó, đồng bào Pa Dí đã xây dựng nơi đây thành miền quê đáng sống với những ruộng lúa, đồi chè xanh mướt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Những công trình kiến tạo tương lai

Những công trình kiến tạo tương lai

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, tỉnh Lào Cai (mới) trở thành cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực, đồng thời giữ vai trò trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ giao thương quốc tế. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang được triển khai, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và đột phá của tỉnh trong tương lai.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh

Giá vàng nhẫn tăng mạnh

Sáng nay (13/7), giá vàng miếng SJC đứng im tại mốc 121,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh, cao nhất lên mức trên mốc 119 triệu đồng/lượng.

Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến rõ rệt nhờ loạt giải pháp quyết liệt

Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến rõ rệt nhờ loạt giải pháp quyết liệt

Bộ Tài chính cho biết, công tác phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 đang được triển khai tích cực, bám sát mục tiêu, định hướng đề ra; trong đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến rõ rệt nhờ hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng bị thu thuế VAT tự động từ 1/8

Hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng bị thu thuế VAT tự động từ 1/8

Cục Hải quan vừa công bố kế hoạch triển khai Thông tư 29/2025 của Bộ Tài chính, về cơ chế thu thuế giá trị gia tăng (VAT) tự động đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng), được vận chuyển thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bắt đầu áp dụng chính thức từ ngày 1/8/2025.

Dự án 'Gạo Mặt Trăng' phát triển giống lúa sinh trưởng trong môi trường vi trọng lực

Dự án 'Gạo Mặt Trăng' phát triển giống lúa sinh trưởng trong môi trường vi trọng lực

Trong bước tiến mới hướng đến du hành không gian bền vững, các nhà khoa học thuộc dự án Moon-Rice đang phát triển giống lúa siêu nhỏ, giàu protein, có khả năng sinh trưởng trong môi trường vi trọng lực. Đây là nỗ lực hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ Italy và ba trường đại học nước này nhằm tạo ra nguồn lương thực tươi giàu dưỡng chất cho các phi hành gia.

Một phiên giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Tân Lĩnh (mới).

Tăng cường "làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã"

Ngay sau khi sáp nhập, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Lào Cai đảm bảo duy trì 319 điểm giao dịch trên toàn tỉnh, với phương châm “gần dân, sát cơ sở” nhằm tạo thuận lợi để các hộ dân tiếp cận với tín dụng chính sách thuận lợi, hiệu quả.

Khẩn trương thi công Trạm biến áp 500kV Lào Cai

Khẩn trương thi công Trạm biến áp 500kV Lào Cai

Để đảm bảo hoàn thiện toàn bộ dự án đồng bộ với đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đơn vị thi công gói thầu Trạm biến áp 500kV Lào Cai đang tập trung nhân lực, phương tiện thi công đồng loạt các hạng mục.

fb yt zl tw