Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 28/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu băn khoăn về một số nội dung trong đó có quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.
Chưa thống nhất về phương án ghi âm, ghi hình tại tòa
Trình bày trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 153 điều; trong đó bỏ 2 điều, bổ sung 2 điều, ghép điều 142 vào điều 143, giảm 1 điều so với dự thảo Tòa án nhân dân Tối cao đã trình Quốc hội.
Về vấn đề này, Điều 141 dự thảo của Tòa án nhân dân Tối cao trình Quốc hội tại kỳ họp 6 quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.
Quá trình thảo luận nội dung này còn ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị quy định về hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành; có ý kiến đề nghị rà soát để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tại phiên tòa, việc ghi âm, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.
“Quy định này còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải thích.
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý khoản 3, khoản 4 Điều 141 theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn khi cần thiết và việc cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình được thực hiện theo quy định của pháp luật; giao Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quy định chi tiết khoản này.
Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, ý kiến này đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Ngoài ra, hai ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và và Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị quy định khoản 3 Điều 141 như sau: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đang thể hiện theo hai phương án trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Cụ thể
* Phương án 1 (khoản 3 và khoản 4):
Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.
Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản này.
* Phương án 2: Không quy định khoản 3 và khoản 4 (Thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan).
Tòa án có thể tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ
Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nhiều ý kiến không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Nghị quyết số 27 yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của tòa án.
Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tố tụng hành chính quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỷ lại cho Tòa án thu thập, dẫn tới nhiều Tòa án quá tải công việc.
Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ. Thực tiễn cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15 dự thảo Luật theo hướng quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.
Về đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm. Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án này thì không thay đổi. Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.
Quy định này chưa thống nhất về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương và phải sửa đổi một số luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời phát sinh một số chi phí (như sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện.
Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và Tòa án Nhân dân Tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.