Các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí Thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành khối kinh tế tổng hợp; bí thư và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Sau khi nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo và các sở, ban, ngành của tỉnh đóng góp ý kiến, Thường trực Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất, tán thành những nhận định, đánh giá về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và 8 tháng năm 2023.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng sẽ về đích sớm
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành hành 13 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Sau hơn 2 năm triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến khó khăn nhưng việc triển khai thực hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, trong tổng số 24 chỉ tiêu chính, thực hiện đến tháng 9 năm 2023 có 3 chỉ tiêu đã hoàn thành, 14 chỉ tiêu đạt trên 70% trở lên, 7 chỉ tiêu đạt từ 50% đến 70%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì ở mức tích cực; năm 2021 đạt 5,45%, năm 2022 đạt 9,02% và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,65%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, hợp lý.
Đặc biệt, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Lào Cai xếp thứ 4/14 tỉnh, thành trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và 26/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 3 bậc so năm 2021; về quy mô kinh tế, năm 2022 tỉnh xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 1 bậc so năm 2021. Quý I năm 2023, tăng trưởng kinh tế cao gấp 2 lần so với mức tăng trưởng chung toàn quốc (3,32%), xếp thứ 4 các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc; quý II năm 2023 tăng trưởng 2,5%.
Hiện nay, Lào Cai là một trong 2 tỉnh hoàn thành sớm nhất việc lập nhiệm vụ quy hoạch, là địa phương thứ 6 trong toàn quốc hoàn thành theo quy định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316, ngày 29/3/2023. Các quy hoạch chính đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị du lịch Sa Pa; Quy hoạch phân khu Khu du lịch Y Tý; Quy hoạch chung hai bên dọc sông Hồng.
Đối với sản xuất công nghiệp, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh và trở thành “trụ cột” của nền kinh tế; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 46.023 tỷ đồng (đạt 76% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra).
Về giải ngân vốn đầu tư công, kết thúc năm 2022, Lào Cai đã hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao, nằm trong nhóm tỉnh giải ngân cao của cả nước.
Cùng với đó, các dự án lớn về giao thông, hạ tầng cơ bản đã được phê duyệt chủ trương; giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đến các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh đang dần hình thành và hoàn thiện.
Về phát triển hạ tầng viễn thông và công tác chuyển đổi số, hiện Lào Cai đã phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, trên 99% đến thôn, tổ dân phố. Tỉnh cũng đưa vào khai thác sử dụng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) và các hệ thống phần mềm phục vụ người dân, doanh nghiệp (nền tảng cửa khẩu số, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống phản ánh hiện trường, app công dân số Lào Cai).
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ đầu nhiệm kỳ lũy kế ước là trên 138.050 nghìn tỷ đồng, đạt trên 50% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh (MTĐH) lần thứ XVI đề ra.
Đối với phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt nhiều kết quả rõ nét.
Năm 2022 với nhiều biện pháp đồng bộ, chủ động, du lịch đã phục hồi, lượng khách du lịch đạt 4,6 triệu lượt; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 15.130 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2023, các điểm du lịch thu hút 5,58 triệu lượt khách, vượt 1,73 lần so với cùng kỳ; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 17.460 tỷ đồng.
Đối với phát triển giáo dục và đào tạo, tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 66,1%, bằng 97% mục tiêu đại hội đảng bộ tỉnh đề ra.
Về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, hết năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 85%, bằng 98,8% MTĐH; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 78%, bằng 97,5% MTĐH.
Về y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 3.420 giường bệnh (đạt 45 giường bệnh/1 vạn dân), bằng 100% MTĐH, cao hơn trung bình của cả nước (32 giường/1 vạn dân); công tác phòng chống dịch bệnh thực hiện tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Còn nhiều khó khăn thách thức
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh thảo luận, phân tích làm rõ những khó khăn, thách thức và bàn giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xuất hiện các khó khăn, vướng mắc gây cản trở, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng chung về kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã đề ra.
Trong đó, xác định một số vấn đề trọng tâm cần vào cuộc tháo gỡ là: Công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng; một số dự án lớn, trọng điểm chậm được triển khai; công tác quản lý khoáng sản, đất đai còn nhiều bất cập; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm; thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; phục hồi sản xuất công nghiệp còn chậm; công tác mua tài sản, trang thiết bị (y tế, giáo dục) gặp nhiều khó khăn vướng mắc; tiến độ một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm…
Bên cạnh đó, hạ tầng chuyển đổi số chưa đồng bộ, hiện đại, nên chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, khó khăn và hạn chế trên là do một số cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu chưa phát huy hết trách nhiệm, chất lượng tham mưu chưa cao; còn có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là các nhiệm vụ đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư,... dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Đoàn kết, khắc phục khó khăn, tạo sự đột phá
Tại cuộc họp, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và đại biểu dự hội nghị đều thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra ở mức cao nhất.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, từng đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương cần quyết tâm với nỗ lực cao nhất vào cuộc chỉ đạo sát sao, quyết liệt trên tinh thần càng khó khăn, càng đoàn kết, sáng tạo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc với phương châm“Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hành động – Phát triển”, thúc đẩy tư tưởng đổi mới và sáng tạo trong công việc. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bất cập phát sinh.