Thỏa thuận "mang tính lịch sử" giữa Thụy Sĩ và EU

Các cuộc đàm phán cam go nhằm "cập nhật" quan hệ thương mại giữa Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã hoàn tất.

Trang mạng swissinfo.ch dẫn thông báo của Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, sau gần 200 cuộc gặp, hai bên đã hoàn tất đàm phán vào cuối tháng 12 vừa qua với tất cả mục tiêu đề ra đều đạt được. Chính phủ Thụy Sĩ và Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến chính thức ký thỏa thuận trong mùa xuân 2025.

Trong khi Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU, khối là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này. Mối quan hệ giữa hai bên trong hơn 5 thập niên qua được chi phối bởi hơn 120 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực. Trang mạng Euractiv cho biết, Thụy Sĩ và EU từng tiến hành nhiều cuộc đàm phán trong suốt hơn 10 năm về việc "đơn giản hóa" và "hài hòa hóa" mối quan hệ đôi bên. Tuy nhiên, hồi năm 2021, Thụy Sĩ đã đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán do khác biệt về quan điểm. Đến tháng 3 năm ngoái, hai bên mới tái khởi động đàm phán.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (bên trái) và Tổng thống Thụy Sĩ lúc bấy giờ Viola Amherd thông báo hoàn tất đàm phán tại cuộc họp báo chung ở Bern, cuối tháng 12-2024. Ảnh: AFP

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (bên trái) và Tổng thống Thụy Sĩ lúc bấy giờ Viola Amherd thông báo hoàn tất đàm phán tại cuộc họp báo chung ở Bern, cuối tháng 12-2024. Ảnh: AFP

Theo Reuters, thỏa thuận mà Thụy Sĩ và EU sắp ký kết bao trùm các lĩnh vực từ tự do đi lại cho đến đóng góp tài chính của Thụy Sĩ để tiếp cận thị trường EU. Đây là "sự điều chỉnh lớn nhất" về quan hệ thương mại giữa hai bên trong nhiều năm qua. Trang mạng swissinfo.ch dẫn lời Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố việc hoàn tất đàm phán mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác giữa EU và Thụy Sĩ, đưa hợp tác đôi bên lên một tầm cao mới. Bà Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận sắp tới "mang tính lịch sử", cho thấy mối quan hệ đối tác lâu dài "ngày càng trở nên sâu sắc". "Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, tại Thụy Sĩ cũng như 27 quốc gia thành viên EU, mối quan hệ đối tác mạnh mẽ không chỉ là một lợi thế mà còn là một điều bắt buộc. Thỏa thuận này sẽ bảo đảm mối quan hệ đối tác của chúng ta sẵn sàng cho tương lai và chúng ta có thể khai thác đầy đủ tiềm năng của mối quan hệ hợp tác gần gũi giữa hai bên", Chủ tịch EC khẳng định. Trang mạng Euractiv dẫn thông báo của Chính phủ Thụy Sĩ nhấn mạnh thỏa thuận là một "cột mốc" cho việc "ổn định và phát triển hơn nữa" mối quan hệ với EU, mang lại lợi ích cho cả người dân Thụy Sĩ và EU.

Reuters lưu ý rằng việc hoàn tất đàm phán và ký kết thỏa thuận mới chỉ là bước đi đầu tiên trong "một hành trình pháp lý kéo dài". Để có hiệu lực, thỏa thuận cần sự phê chuẩn của Quốc hội Thụy Sĩ và nghị viện EU. Trang mạng swissinfo.ch cho biết, Quốc hội Thụy Sĩ dự kiến sẽ tiến hành thảo luận và bỏ phiếu đối với thỏa thuận vào năm 2026. Theo trang mạng Euractiv, Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP)-chính đảng lớn nhất nước này- lâu nay vẫn phản đối mạnh mẽ việc Bern xích lại gần hơn với Brussels. SVP cho rằng thỏa thuận trên buộc Thụy Sĩ phải chi tiền cho "một EU đầy khủng hoảng" và tuyên bố sẽ đấu tranh "vì sự tự quyết của người dân Thụy Sĩ". Euractiv không loại trừ khả năng thỏa thuận phải đối mặt với một cuộc trưng cầu ý dân tại Thụy Sĩ. Reuters dẫn lời ông Maros Sefcovic, quan chức phụ trách thương mại của EU cảnh báo thỏa thuận không được phê chuẩn nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU, khiến hợp tác đôi bên "theo thời gian sẽ bị thu hẹp dần và trở nên khó khăn hơn".

Việc đạt được thỏa thuận diễn ra trong bối cảnh Thụy Sĩ, quốc gia được bao quanh bởi 4 thành viên EU (Đức, Áo, Italy và Pháp), lâu nay chủ trương làm sâu sắc hợp tác thương mại với khối nhưng chưa bao giờ "bị thu hút" bởi việc gia nhập EU. Tư cách thành viên EU được cho là sẽ làm suy yếu chính sách trung lập của Thụy Sĩ, vốn bắt đầu thực hiện từ năm 1515 nhưng tới năm 1815 mới chính thức được cộng đồng quốc tế công nhận. Viện Mises-một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ cho biết Thụy Sĩ là quốc gia thực hiện chính sách trung lập lâu đời nhất trên thế giới (hơn 5 thế kỷ). Theo giới phân tích, Thụy Sĩ "nằm ở khoảng cách tương đối an toàn" so với các "điểm nóng", là một trong những quốc gia ổn định chính trị nhất thế giới và có tiềm lực kinh tế. Thêm vào đó, mối quan hệ với EU lâu nay "xuôi chèo mát mái" và "mang lại hiệu quả tốt". Vì vậy, việc gia nhập EU được nhìn nhận không có nhiều ý nghĩa với Thụy Sĩ và dư luận trong nước ủng hộ duy trì hiện trạng.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mexico chính thức cấm thuốc lá điện tử

Mexico chính thức cấm thuốc lá điện tử

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 17/1 chính thức ban hành sắc lệnh cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, cũng như ma túy tổng hợp fentanyl và dẫn xuất của loại thuốc gây nghiện này.

Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu vaccine phòng chống cúm gia cầm

Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu vaccine phòng chống cúm gia cầm

Ngày 16/1, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố sáng kiến tài trợ mới trị giá 211 triệu USD nhằm phát triển vaccine mRNA chống lại các mối đe dọa sinh học mới nổi, đặc biệt là cúm gia cầm, trong bối cảnh lo ngại về một đại dịch mới có thể xảy ra.

Hàn Quốc thanh tra toàn diện lĩnh vực hàng không sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air

Hàn Quốc thanh tra toàn diện lĩnh vực hàng không sau vụ tai nạn máy bay Jeju Air

Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc hôm nay (13/1) cho biết, nước này có kế hoạch cải tạo cơ sở hạ tầng thiết bị định vị sân bay sau vụ tai nạn chết người của hãng hàng không Jeju Air vào tháng 12 vừa qua. Đây là một phần trong hoạt động thanh tra toàn diện lĩnh vực hàng không của nước này.

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do thảm họa cháy rừng

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do thảm họa cháy rừng

Thảm họa cháy rừng tại Mỹ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ hôm qua (10/1) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại bang California để giải quyết những tác động về sức khỏe từ cháy rừng ở Los Angeles.

Mỹ tiến hành lễ tang cấp nhà nước cho cố Tổng thống Jimmy Carter

Mỹ tiến hành lễ tang cấp nhà nước cho cố Tổng thống Jimmy Carter

Lễ tang cấp nhà nước của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter diễn ra vào ngày 9/1 tại Nhà thờ Quốc gia Washington đã mang đến một khoảnh khắc đặc biệt khi các nhà lãnh đạo chính trị nước này tạm gác lại những bất đồng để cùng nhau tưởng nhớ vị Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (từ năm 1977 đến năm 1981).

fb yt zl tw