Đồng chí Lê Minh Đức - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Bình
"Giai đoạn 2020 - 2025, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của hệ thống chính trị và Nhân dân, các xã: Tân Hương, Đại Đồng, Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình (nay thuộc xã Yên Bình mới), tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới và phát triển".

Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện của tỉnh, lĩnh vực kinh tế của Yên Bình tiếp tục có bước phát triển. Trong đó, nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả khả quan. Các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực. Đặc biệt, xã xây dựng, phát triển được 48 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, một số sản phẩm liên kết đã xuất khẩu sang thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...

Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, trong đó có cụm công nghiệp thuộc thôn Trung Tâm và thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng (cũ). Đến nay, tại địa phương đã hình thành khu đô thị dân cư Ruby Garden; dự án khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái Thịnh Hưng 1, Thịnh Hưng 2. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ...

Với triết lý xây dựng Yên Bình “xanh, bản sắc, hài hòa, hạnh phúc”, thời gian qua, xã Yên Bình luôn chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được đầu tư, bảo tồn phục dựng, những lễ hội quy mô quốc gia, như Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà được tổ chức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân và thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan trải nghiệm.
Với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, khoa học, huyện Yên Bình (cũ) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, trở thành huyện thứ hai của tỉnh Yên Bái (cũ) và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới; là huyện đầu tiên đạt theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội.

Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh trên cả 4 trụ cột: Chính quyền, cấp ủy số; kinh tế số; xã hội số; dữ liệu số và đạt nhiều kết quả tích cực, với 177 tổ chuyển đổi số cộng đồng. Đặc biệt, huyện Yên Bình (cũ) là một trong những địa phương triển khai sớm ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái (cũ) với số chi bộ, đảng viên sử dụng ứng dụng cao nhất; xây dựng 15 đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là địa phương tiên phong đề xuất thực hiện việc sắp xếp lại mô hình tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; đứng trong tốp đầu các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy giao hằng năm.

Phát huy những thành tựu to lớn của huyện Yên Bình (cũ), mục tiêu trong nhiệm kỳ 2025 - 2030: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng vươn lên; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, từng bước phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc của Nhân dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới, đưa Yên Bình trở thành xã phát triển của tỉnh vào năm 2030.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Đảng bộ xã Yên Bình đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể, 22 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó, tập trung tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Phát triển văn hóa, xã hội, phát triển con người thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đất nước đang bước vào giai đoạn mới, gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân tốt hơn, xã Yên Bình mới xác định 4 đột phá trong nhiệm kỳ tới:
Một là, tập trung lập quy hoạch và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở phát triển công nghiệp sạch, kinh tế đô thị và nhà ở xã hội; mở rộng không gian đô thị gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước xây dựng Yên Bình trở thành trung tâm kinh tế vùng có khả năng kết nối và lan tỏa phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, hình thành 1 cụm công nghiệp sạch; 1 khu nhà ở xã hội; tỷ lệ dân số đô thị đạt 65%.
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, du lịch theo quy hoạch, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, nhất là tại khu vực hồ Thác Bà.
Ba là, phát huy hiệu quả tiềm năng cảnh quan, mặt nước hồ Thác Bà và bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, đồng thời phát triển thủy sản và nông - lâm nghiệp theo hướng tập trung, bền vững, hình thành chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; tập trung số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý trong các lĩnh vực: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, quy hoạch đô thị, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển hệ thống giám sát, quản lý nuôi thủy sản thông minh, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm. Triển khai chuyển đổi số toàn diện cho 100% trường học trên địa bàn xã, phấn đấu đạt mức độ 3 về chuyển đổi số trong giáo dục...
Xã Yên Bình sau sắp xếp sẽ mở ra một chương mới trong hành trình xây dựng và phát triển với nhiều cơ hội rộng mở hơn. Đặc biệt, Yên Bình đã được Đảng bộ tỉnh Lào Cai chọn là đơn vị tổ chức đại hội đảng bộ điểm cấp xã.
Đây là sự kiện trọng đại có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Với ý nghĩa đó, trong thời gian tới, xã Yên Bình tiếp tục xây dựng một bộ máy chính quyền liêm chính, chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đặt mục tiêu cao nhất là phục vụ Nhân dân tốt hơn; lấy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn hiện đại làm trọng tâm và lấy truyền thống anh hùng của quê hương làm động lực hành động. Mỗi cán bộ, đảng viên xã Yên Bình sẽ tiên phong, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; Nhân dân toàn xã nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua; các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, trường học tiếp tục đồng hành, đóng góp trí tuệ, công sức và nguồn lực tạo nên diện mạo mới để xã Yên Bình vững bước trên hành trình mới...
Trên quê hương Yên Bình những ngày này rộn ràng khí thế thi đua, phấn khởi chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Khắp các tuyến đường, cờ, hoa, băng rôn khẩu hiệu rực rỡ, tươi mới cùng sự hân hoan, tự hào, tin tưởng của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân vào một chặng đường phát triển mới.
Bộ máy mới
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, từ ngày 1/7/2025, xã Yên Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị hành chính gồm: xã Đại Đồng, xã Tân Hương, xã Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình.

Đảng bộ xã có 61 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 3 đảng bộ cơ sở, 23 chi bộ cơ sở, 35 chi bộ trực thuộc đảng bộ; 2.011 đảng viên.
Dấu ấn một nhiệm kỳ

Sản xuất công nghiệp phát triển khá, các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định, đóng góp tích cực vào phát triển kin tế - xã hội tại địa phương. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 ước đạt 3.200 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Trên địa bàn hiện có 311 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã và 136 tổ hợp tác; giải quyết nhu cầu việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển đa dạng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư; tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 85,7%; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 91%. Công tác đầu tư, nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông được quan tâm thực hiện, đến nay 100% thôn, tổ dân phố có hội trường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.

Mạng lưới trường, lớp học được duy trì ổn định, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại hóa với 97,5% phòng học kiên cố, đáp ứng yêu cầu dạy và học. 100% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 60% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tăng 6 trường so với năm 2020. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp học đạt trên 98%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 99%.

Công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ y tế cơ bản đủ về số lượng, đạt về chất lượng. Đến nay, trên địa bàn xã có 13 cơ sở y tế khám - chữa bệnh ngoài công lập.Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội; 100% hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 98,3%, tăng 4% so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả tỉnh. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1,5%/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,27% (năm 2025).