Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi ngày có hàng trăm người đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội việc làm. Với phần mềm quản lý dữ liệu lao động, các nhân viên bộ phận thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm không quá khó khăn để truy xuất lịch sử cá nhân của từng người, từ đó tư vấn cho người dân.
Chị Nguyễn Phúc Hậu, Phó Trưởng Phòng Thông tin, Tư vấn và Giới thiệu việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai) cho biết: Ưu điểm của các phần mềm quản lý dữ liệu lao động điện tử là tiết kiệm thời gian và nhân lực, tăng tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả công việc. Người lao động không mất quá nhiều thời gian chờ đợi để thủ tục được giải quyết. Nhờ vậy, trung tâm có nhiều thời gian tư vấn cho người lao động hơn.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai đã ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc. Trung tâm cũng xây dựng các phần mềm nghiệp vụ, như giới thiệu việc làm, tra cứu thông tin cho người lao động, đào tạo, lưu trữ hồ sơ, bảo hiểm thất nghiệp… Đồng thời, trung tâm đã trang bị thêm cơ sở vật chất, trang - thiết bị đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm kiếm thông tin, thị trường lao động của doanh nghiệp và người dân.
Trước nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng tăng, trung tâm đã tăng cường kết nối trực tuyến với các doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng lao động, đồng thời tìm hiểu nhu cầu việc làm của người lao động, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng tháng… để người lao động chủ động nắm thông tin thị trường lao động, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.
Không chỉ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai, chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trong ngành lao động, thương binh và xã hội cũng diễn ra mạnh mẽ.
Điểm nổi bật trong công tác chuyển đổi số của ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh thời gian qua là hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bao gồm hệ thống phần mềm theo dõi bảo trợ xã hội; phần mềm quản lý, dự báo thông tin thị trường lao động. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Toàn bộ 93 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh đối với tất cả hồ sơ có phát sinh lệ phí được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sở đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện, nhằm phát huy sức mạnh công nghệ số, làm thay đổi tư duy, nhận thức, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, giúp hoạt động, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức được tốt hơn; cải thiện dịch vụ công, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Để góp phần xây dựng xã hội số, ngành lao động, thương binh và xã hội đã triển khai, thực hiện tốt việc rà soát và chuẩn hóa dữ liệu cho 230.766 trẻ trên địa bàn tỉnh (đạt 99,86%); dữ liệu trẻ dưới 16 tuổi được đưa vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở theo quy trình hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Qua đó, trẻ được xác lập danh tính điện tử, tạo nhiều thuận lợi trong việc giải quyết các chế độ, chính sách, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe…
Toàn tỉnh hiện có 24.510 người được hưởng chính sách an sinh xã hội. Ngành lao động, thương binh và xã hội đã tích cực tuyên truyền người dân đăng ký thực hiện chi trả an sinh không dùng tiền mặt. Sau hơn 1 tháng triển khai, đã có 113 người đăng ký và thực hiện chi trả hơn 230 triệu đồng thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng và các tiện ích thanh toán.
Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng trong triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá công tác chuyển đổi số, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, không chỉ tạo chuyển biến mạnh trong triển khai thực hiện chính quyền số mà còn góp phần xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ quản lý về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu các ngành đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai và bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, số hóa dữ liệu người có công, đối tượng chính sách, xã hội…