Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bộ Chính trị yêu cầu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, TN-KS, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo điện tử VTV News trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:

Những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực; chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát được tăng cường. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nghiêm túc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chủ trương của Đảng.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có liên quan đến vấn đề này còn chậm. Công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức.

Để đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống nhân dân. Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức và huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực then chốt như năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, tài sản công. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác, đi nước ngoài bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia. Đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia…; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.

5. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và nhân dân. Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát.

Bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, hương ước, quy ước của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.

6. Tổ chức thực hiện

- Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị; xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, Nhân dân tích cực tham gia, giám sát việc thực hiện Chỉ thị và chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

vtv.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thủ đoạn xuyên tạc việc củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thủ đoạn xuyên tạc việc củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày 1/7 vừa qua, các địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định địa vị pháp lý, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đạo đức là “gốc” của người cách mạng

Đạo đức là “gốc” của người cách mạng

Quy định 144 được coi như cuốn “Cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức”, trong đó có những quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện và các tổ chức đảng soi mình để rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên và xử lý kỷ luật nếu vi phạm.

Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Phương thức hữu hiệu chữa trị các căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra

Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Phương thức hữu hiệu chữa trị các căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144) trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh: Tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh: Tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chiều 15/7, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (Đảng ủy Khối) đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024.

Bắc Hà: Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt mục tiêu đề ra

Bắc Hà: Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt mục tiêu đề ra

Ngày 12/7, HĐND huyện Bắc Hà khóa X tổ chức kỳ họp thứ 19. Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại kỳ họp là đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024.

196 tác phẩm vào Chung khảo Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024

196 tác phẩm vào Chung khảo Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024

Hội nghị triển khai chấm chung khảo cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 trong Đảng ủy Khối các cơ quan Trung Ương đã diễn ra sáng 12/7, tại trụ sở Báo Nhân Dân. Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng dự và chủ trì Hội nghị.

Thanh tra, giải quyết đơn, thư tại Bắc Hà: Không để “cái sảy nảy cái ung”

Thanh tra, giải quyết đơn, thư tại Bắc Hà: Không để “cái sảy nảy cái ung”

Theo ông Nguyễn Như Ruân, Chánh Thanh tra huyện Bắc Hà, cùng với thanh tra, việc giải quyết kiến nghị, thắc mắc, đơn, thư khiếu nại, tố cáo đều được địa phương giải quyết rốt ráo, đúng như tinh thần không để “việc nhỏ thành việc lớn”, “việc có thể chủ động thành bị động” hay "cái sảy nảy cái ung".

Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh: Phiên chất vấn tập trung vào giáo dục và văn hóa

Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh: Phiên chất vấn tập trung vào giáo dục và văn hóa

Chiều 5/7, dưới sự điều hành của các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành phiên thảo luận với phần câu hỏi tập trung vào 2 ngành là giáo dục - đào tạo và văn hóa - thể thao. Có 10 lượt đại biểu với 19 câu hỏi đã được nêu và giải đáp trực tiếp tại Hội trường.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 18

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 18

Như tin Báo Lào Cai đã đưa, chiều 3/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 18 về đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và thông qua Nghị quyết hội nghị về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

fb yt zl tw